Nỗi lo ở biển xa
Theo ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, trong những năm qua, kinh tế biển đã đem lại nguồn thu khá lớn cho ngư dân đất đảo, mỗi năm khoảng gần 200 tỉ đồng. Đặc biệt, việc vươn ra khơi xa, bám biển dài ngày đã giúp nhiều gia đình ngư dân có của ăn của để. Toàn huyện hiện có 409 tàu thuyền với tổng công suất trên 35.000 CV với số lao động trực tiếp trên biển khoảng 2.850 người. Trong 3 tháng đầu năm nay, ngư dân trong huyện đánh bắt hơn 6.000 tấn hải sản các loại, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2010, thu về hơn 42 tỉ đồng.
|
Cũng theo ông Nguyên, trong những năm qua, ngư dân luôn phập phồng, lo âu mỗi khi đưa tàu ra khơi xa, nhất là tại vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa. Có nhiều gia đình ngư dân bị phía Trung Quốc bắt, đòi tiền chuộc, tịch thu tàu đang lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Chỉ tính riêng trong năm 2010, 4 tàu với 52 ngư dân Lý Sơn khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa đã bị phía Trung Quốc vây bắt, đập phá, lấy đi một số tài sản và phạt tiền gây thiệt hại khoảng 1,7 tỉ đồng. Không chỉ bị vây bắt trong lúc hành nghề hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa mà ngay cả khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão, nhiều tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn chạy vào tránh trú gió cũng bị phía Trung Quốc vây bắt, đánh đập, lấy tài sản.
Nhân dịp tổ chức buổi tọa đàm, thay mặt Ban Tuyên giáo T.Ư, ông Nguyễn Bắc Son đã trao tặng cho huyện đảo Lý Sơn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đến thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa và cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 328 Lý Sơn. |
Theo báo cáo của Đồn biên phòng 328 Lý Sơn (Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi), vào cuối tháng 9.2009, 13 tàu cá Lý Sơn khi đang hành nghề lặn ở vùng biển Hoàng Sa khi nghe thông báo cơn bão số 9 rất mạnh nên đã chạy vào đảo tránh bão nhưng 2 tàu mang số 789 và 1312 của Hải quân và 2 tàu của lực lượng kiểm ngư Trung Quốc mang số 93 và 309 dùng súng bắn vào phía trước các tàu không cho vào tránh gió nên họ đành phải chạy ra ngoài neo đậu. Sau đó vì bão quá mạnh, các tàu cá không còn cách nào khác đành phải chạy vào đảo nhưng các lực lượng chức năng của Trung Quốc tiếp tục dùng súng bắn đe dọa, cho tàu chiến đến vây và chặn lại khống chế rồi lấy tài sản, ngư cụ, hải sản gây thiệt hại cho ngư dân hàng tỉ đồng.
Trong khi ngư dân VN hoạt động ngay trên vùng biển chủ quyền thì bị phía Trung Quốc bắt giữ, còn chính các tàu cá Trung Quốc lại xâm phạm đến vùng biển chủ quyền của VN, thậm chí có tàu vào sâu vào vùng biển Quảng Ngãi, chỉ cách đảo Lý Sơn 5 hải lý. Mới đây, ngày 4.3, lực lượng biên phòng đã phát hiện 12 tàu cá Trung Quốc hoạt động trên vùng biển cách đảo Lý Sơn khoảng 40 hải lý về hướng đông bắc.
Vai trò quan trọng của ngư dân
Tại cuộc tọa đàm, ông Trần Ngọc Nguyên khẳng định, phát triển kinh tế thủy sản một cách bền vững là mục tiêu mà địa phương đang hướng đến. Trong đó khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, đánh bắt dài ngày trên biển kết hợp với chủ quyền quốc gia trên biển là mục tiêu mà Đảng bộ và nhân dân huyện đảo quyết tâm thực hiện cho bằng được. “Chỉ có vươn ra khơi mới có thể làm giàu từ biển, giữ vững vùng biển đảo chủ quyền của Tổ quốc trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Mỗi ngư dân hoạt động trên biển là một người lính biên phòng, là tai mắt của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ an ninh biên giới quốc gia
|
|
Ông Nguyễn Bắc Son |
Để đạt được mục tiêu quan trọng này, tại cuộc tọa đàm, nhiều đại biểu đều cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền Chiến lược biển VN đến năm 2020 với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, huy động mọi lực lượng cùng tham gia để mọi người hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo VN trong việc phát triển kinh tế gắn với giữ vững chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc.
Theo ý kiến của một số đại biểu, trong việc tuyên truyền không chỉ khẳng định vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của VN mà còn phải giới thiệu cặn kẽ lịch sử chủ quyền của VN ở hai quần đảo này, những hy sinh mất mát của cha ông ta trong việc mở mang, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Việc tuyên truyền không chỉ tập trung đối tượng là người dân mà còn phải đưa vào các trường học để thế hệ trẻ có ý thức hơn về chủ quyền biển đảo. Riêng đối với ngư dân, cần tuyên truyền sâu rộng về Luật Biển, khuyến khích vươn ra biển xa không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn khẳng định chủ quyền lãnh hải của đất nước.
“Mỗi ngư dân hoạt động trên biển là một người lính biên phòng, là tai mắt của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ an ninh biên giới quốc gia”, ông Nguyễn Bắc Son - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư - nói. Theo ông Son, việc ngư dân đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa là một hoạt động bình thường, không chỉ bây giờ mà cha ông ta ngày xưa cũng đã đánh bắt ở vùng biển này. Tuy nhiên, ngư dân cũng cần hiểu rõ và thực hiện tốt Luật Biển, kịp thời phát hiện các hành vi sai trái của các tàu nước ngoài xâm phạm vào lãnh hải VN. Riêng đảo Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, vì thế chính quyền địa phương cần phải có kế hoạch quy hoạch tổng thể trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng để xây dựng Lý Sơn ngày càng “giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, đẹp về cảnh quan”.
Hiển Cừ
Bình luận (0)