Giữa thảm nạn MH 370, tôi thấy tình yêu nơi Ô Kha

17/02/2015 06:15 GMT+7

(TNO) Năm 2014 chứng kiến hàng loạt thảm họa hàng không cả trong và ngoài nước, khởi đầu bằng việc chiếc máy bay MH 370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đột ngột mất tích với số phận của 239 con người.

(TNO) Năm 2014 chứng kiến hàng loạt thảm họa hàng không cả trong và ngoài nước, khởi đầu bằng việc chiếc máy bay MH 370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đột ngột mất tích với số phận của 239 con người.

Kíp tìm kiếm máy bay MH 370 trong ngày đầu tiên - Ảnh: Trung Hiếu

Giữa tai họa hàng không thảm khốc ấy, những câu chuyện tình và sức sống mãnh liệt của những người liên quan trong vụ máy bay đâm vào núi ở Ô Kha hơn 22 năm trước như có một sợi dây gắn chặt: tình yêu của con người.

Ngày Quốc tế phụ nữ không yên ả

Chủ nhật ngày 8.3.2014 (ngày Quốc tế phụ nữ), cả thế giới như bàng hoàng khi hay tin chiếc máy bay số hiệu MH 370 của hàng hàng không Malaysia Airlines mang theo 227 hành khách và 12 phi hành đoàn mất tích trên chặng Kuala Lumpur đi Bắc Kinh. Thông tin chiếc máy bay này mất liên lạc 1 phút trước khi vào vùng thông báo bay TP.HCM thuộc không phận Việt Nam càng khiến người dân chú ý.

Lúc này một kế hoạch tìm kiếm ở vùng biển giáp ranh với Malaysia được nhà chức trách Việt Nam nhanh chóng vạch ra.

Từ Malaysia các máy bay cất cánh để tìm kiếm tung tích MH 370. Ở Việt Nam những chiếc AN 26 ở phi trường Tân Sơn Nhất cũng chuẩn bị cất cánh. Ở báo Thanh Niên, những phóng viên như tôi cũng được lệnh sẵn sàng, bằng mọi cách phải có mặt trên chuyến bay để thông tin nhanh nhất đến bạn đọc.

Thượng tá, cơ trưởng Vũ Đức Long lái chuyến bay đầu tiên tìm kiếm MH 370 - Ảnh: Trung Hiếu

Hơn 12 giờ ngày 8.3, điện thoại tôi đổ chuông, đầu dây bên kia, Trưởng ban phóng viên thông báo chuẩn bị tinh thần theo máy bay ra vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và Malaysia tìm kiếm MH 370. Lúc này Lữ đoàn Không quân 918 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đã có lệnh điều máy bay đi nhưng chưa có thời gian bay cụ thể.

Hơn 13 giờ chiều, anh Tấn Tú, Phó ban Bạn đọc, nhắn số điện thoại của thượng tá Vũ Đức Long, cơ trưởng sẽ lái chuyến bay tìm kiếm đầu tiên, với lời nhắn “bằng mọi cách phải bám bằng được chuyến bay của thượng tá Long”.

Tôi gọi cả chục cuộc điện thoại nhưng thượng tá Long không bắt máy. Lúc này hy vọng theo máy bay gần như tiêu tan bởi kinh nghiệm những lần tác nghiệp trước, không dễ gì xin theo chuyến bay quan trọng như thế này. Thế nhưng, khoảng 14 giờ chiều, thượng tá Long điện lại thông báo trong vòng 30 phút nữa máy bay sẽ cất cánh.

Nghe xong tôi chỉ kịp cầm theo ba lô phóng như bay từ nhà ở quận 8 chạy về hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Tới Lữ đoàn 918, gửi xe xong, thượng tá Nguyễn Thái Sơn, Phó chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 918 chờ sẵn chở xe máy ra sân bay với lời nhắn: “May cho ông, chỉ ra chậm 2-3 phút là máy bay khởi hành”.

Khi tôi có mặt, phi hành đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng. Ngoài tổ tìm kiếm của Lữ đoàn 918 và tôi là phóng viên duy nhất, chuyến bay còn có ông Nguyễn Tấn Đức, kiểm soát viên không lưu của Công ty Quản lý bay miền Nam. Ông Đức sẽ có nhiệm vụ “chỉ dẫn” khi máy bay làm nhiệm vụ ở vùng trời chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia. Gương mặt ai cũng lộ vẻ căng thẳng vì đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Đây cũng là lần đầu tiên máy bay của Lữ đoàn 918 tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay ở không phận quốc tế.

Thành viên đội tìm kiếm - Ảnh: Trung Hiếu

Nóng là cảm giác đầu tiên khi tôi leo lên chiếc máy bay vận tải quân sự AN 26 của Liên Xô sản xuất cách đây hơn 40 năm. Có một chi tiết vui giờ mới dám tiết lộ là lúc mới lên máy bay, các thành viên trong đoàn tìm kiếm đều cởi trần trùng trục vì không chịu nổi cái sức nóng trên 50oC khi hệ thống làm lạnh chưa đủ mát.

Trước khi lên máy bay, tôi tính chụp một kiểu ảnh kỷ niệm nhưng thượng tá Long ngăn lại vì trước khi khởi hành, tâm lý đội bay thường ngại chụp hình. “Lên máy bay tha hồ cho ông chụp”, thượng tá Long cười nói. Chuyến bay tìm kiếm đầu tiên bay trong vòng 3 giờ 30 phút, với tổng quãng đường bay hơn 1.300 km, phạm vi tìm kiếm với bán kính hơn 400 km.

Hơn 16 giờ chiều, máy bay có mặt ở khu vực khoanh vùng cứu nạn. Cơ trưởng ra lệnh máy bay hạ độ cao xuống còn 2.400 m so với mặt biển để tìm kiếm. Khi này bằng mắt thường có thể nhìn thấy các tàu bè đi lại trong khu vực. Lúc này máy bay Việt Nam chỉ tìm kiếm ở độ cao 2.400 m vì bên dưới Malaysia cũng điều 3 máy bay tìm kiếm ở độ cao 1.500 m.

Lúc này có một chi tiết mà các thành viên trong đoàn phán đoán đã khoanh được vùng tìm được máy bay mất tích. Đó là ở khu vực tìm kiếm có một vệt nghi là dầu loang trải dài mấy chục km, rộng hơn 1 km. Có người phân tích có thể chiếc MH 370 đâm xuống biển rồi dầu trong máy bay loang ra. Chiều hôm đó chiếc AN 26 bay quần thảo theo hình lưỡi cưa ở khu vực tìm kiếm. Hơn 17 giờ, máy bay kết thúc việc tìm kiếm và về đến phi trường Tân Sơn Nhất gần 19 giờ.

Vừa về đến tòa soạn, tôi đã thấy đại diện của hãng thống tấn Reuters (Anh) đợi sặn để mua hình và clip kịp phát ngay trong đêm. Tối hôm đó loạt hình của báo Thanh Niên được Reuters phát trên toàn thế giới và hầu hết các hãng thông tấn khác dẫn lại. Bạn đọc Thanh Niên Online có một buổi chiều căng thẳng để cùng liên tục cập nhật vụ thảm nạn hàng không, mọi vất vả của tôi bỗng tiêu tan.

Đến tình yêu bất tử ở Ô Kha

Vụ mất tích bí ẩn của MH 370 rồi tiếp đến máy bay số hiệu MH 17 cũng của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi vào ngày 17.7.2014 càng khiến thế giới rúng động. Sự kiện trên khiến cho nhiều người Việt Nam liên liên tưởng đến tới hai vụ tai nạn máy bay chỉ trong vòng 1 tuần lễ ở thung lũng Ô Kha (H.Khánh Sơn, Khánh Hòa) cách đây hơn 22 năm. Lần đó, chiếc máy bay Yak 40 số hiệu VN – 474 của hãng hàng không Vietnam Airlines chở 31 người từ sân bay Tân Sơn Nhất bỗng mất tích khi gần đến sân bay Nha Trang. Chiếc trực thăng Mi-8 của quân đội được huy động từ Hà Nội vào Nha Trang tìm kiếm chiếc VN-474 tiếp tục gặp nạn ở vùng núi Ô Kha làm 7 người thiệt mạng.

Trong thảm họa 22 năm trước, Annette Herfkens, nữ công dân Hà Lan và là người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay Yak 40. Bà Annette như một biểu tượng cho sự sống giữa những thảm họa hàng không mà chỉ có cầm chắc cái chết.

Bà Annette gặp bà Nguyễn Thị Lan, vợ cơ trưởng Mi8, trong lần sang Việt Nam ra mắt cuốn sách - Ảnh: Độc Lập

Được sự chỉ dẫn của ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu và là một trong những thành viên trong đoàn tìm kiếm chiếc Yak 40 năm xưa, tôi đã gặp bà Trần Thị Bích có chồng thiệt mạng trong vụ rơi Yak 40, bà Nguyễn Thị Lan (vợ cơ trưởng Mi-8 Nguyễn Quang Vinh) và ông Lê Hải (đội trưởng đội cứu nạn thực địa trong vụ tìm kiếm).

Nếu bà Annette là nhân chứng sống kỳ diệu thì bà Bích lại là người phụ nữ can trường, là người phụ nữ duy nhất dám “leo đèo, lội suối, cắt rừng” vào tận thung lũng Ô Kha để tìm chồng với hy vọng mong manh: chồng mình còn sống. Chính bà Bích đã sang Mỹ để tìm kiếm bà Annette và chính là người động viên Annette về thăm lại Việt Nam để ra mắt cuốn tự truyện: 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh (nguyên tác Turbulence: A Survival Story).

Nhiều người vẫn tưởng sau khi thoát chết trong vụ tai nạn máy bay, cuộc sống của bà Annette sẽ thay đổi và bà sẽ hạnh phúc. Bởi không có gì có thể quật ngã được người đã từng chạm tới lằn ranh sinh tử. Tuy nhiên cuộc sống của Annette trước khi sang Việt Nam khá bế tắc. Người con trai đang bị bệnh và bà lại đang ly thân chồng. Thời điểm đó Annette không có việc làm thậm chí không có chỗ ở lâu dài. Sự kỳ diệu mà bà có tại Ô Kha không giúp bà điều gì trong cuộc sống nhưng nó nó cho bà thấy rằng khó khăn không chừa một ai, có điều người ta dám đối diện và vượt qua nó hay không.

Dù cuộc sống không như mong muốn nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi Annette suốt thời gian bà ở Việt Nam.

Bà Annette với người thân của phi hành đoàn chuyến bay Yka 40 và Mi 8 - Ảnh: Độc Lập

Một buổi chiều giữa tháng 8.2014, tôi và bà Bích đến thăm gia đình bà Lan ở khu K300 nằm trên đường Cộng Hòa, Tân Bình (TP.HCM). Sau khi chồng hy sinh, bao nhiêu năm bà Lan vẫn ở vậy không lấy chồng. May mắn lớn nhất là trước khi chồng hy sinh, bà Lan đã có thai và sinh được một bé gái đặt tên là Bảo Anh, hiện đang là sinh viên của trường Đại học Ngoại thương.

Bà Annette gặp vợ các phi công trong vụ tai nạn máy bay ở Ô Kha cách đây hơn 22 năm - Ảnh: Độc Lập

Trước khi đến thăm, bà Bích khẩn khoản với người viết không tiết lộ danh tính, mà chỉ giới thiệu bà là biên tập viên của Báo Thanh Niên đi cùng để lấy tư liệu viết bài. Rồi mọi thứ như vỡ òa khi bà Bích nói mình cũng có chồng thiệt mạng trong vụ máy bay mất tích ở Ô Kha. Hai người phụ nữ ôm nhau khóc. Họ kể cho nhau nghe về những gian truân sau khi người đàn ông trụ cột trong nhà không còn nữa. Những mất mát ra đi của những người đàn ông 22 năm trước đã giúp cho hai người phụ nữ như chung một sự hòa quyện: họ đã ở vậy, vẫn nhớ chồng, yêu con và một tay làm tất cả mọi thứ trong gia đình. Hai người phụ nữ lần đầu tiên gặp nhau nhưng đã xem nhau như tri kỷ vì họ đều có chung mất mát, nỗi niềm từ thảm họa hàng không.

Ngày bà Annette ra mắt cuốn sách, ngoài bà Bích, bà Lan, cuộc hội tụ có thêm sự góp mặt của bà Hồ Thanh Vân, vợ anh Dương Công Sử (cơ giới trên không), bà Phan Thị Ngọc Khánh, vợ cơ phó Chu Minh Đông và bà Hồ Thu Thủy, vợ cơ trưởng Lưu Công Lương của chuyến bay Yak 40. Những giọt nước mắt lăn tràn trên má những người phụ nữ.

Không hẹn mà gặp, những người phụ nữ đã cùng nhau thăm lại Ô Kha để minh chứng một điều rằng sau mất mát, đớn đau, tình yêu của họ vẫn nảy nở, hồi sinh.

Giữa những thảm họa hàng không chẳng ai muốn, những tình yêu và sự hy sinh lúc nào cũng len lỏi, vươn cao!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.