Giun tròn giúp phát hiện ung thư

20/04/2015 14:01 GMT+7

(TNO) Giới khoa học Nhật Bản vừa phát hiện loài giun tròn bị thu hút bởi mùi nước tiểu của bệnh nhân ung thư, một khám phá có thể mở đường cho việc phát triển phương pháp tầm soát ung thư đơn giản với chi phí thấp.

Cụ thể, trong cuộc thí nghiệm, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kyushu đặt 50 - 100 con giun tròn dài vài milimet vào giữa một cái dĩa và có vài giọt nước tiểu người trên thành dĩa, theo tờ Asahi Shimbun ngày 12.3. Nhóm nghiên cứu lặp lại quá trình này với các mẫu nước tiểu của 242 cá nhân.
Kết quả cho thấy, giun bò tới nước tiểu của 23/24 người mắc các bệnh ung thư khác nhau, cho thấy tỉ lệ chính xác 95,8%. Trong khi đó, những con giun đó lại bò tránh xa mẫu nước tiểu của 207/218 người không bị ung thư, cho thấy tỉ lệ chính xác 95%. Nhóm nghiên cứu còn phát hiện thêm rằng những con giun có khứu giác bị tê liệt thì không bò tới mẫu nước tiểu của những bệnh nhân ung thư.
Các nhà nghiên cứu cho rằng giun tròn có thể được dùng để phát hiện sớm ung thư bao tử, ung thư thực quản, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tụy.
Phương pháp thử nghiệm trên có thể giúp đơn giản hóa quá trình tầm soát ung thư và giảm chi phí xuống còn chỉ vài trăm yen (100 yen = hơn 17.000 đồng).
Hiện nay, Đại học Kyushu hợp tác với Công ty Hitachi và nhiều tổ chức khác để tạo ra một hệ thống tầm soát ung thư dùng giun tròn.
Đồng tác giả nghiên cứu Hideto Sonoda cho hay các bên liên quan muốn thương mại hóa phương pháp tầm soát ung thư mới này trong vòng 10 năm.
Ông Hideto đưa ra ý tưởng dùng giun tròn phát hiện ung thư sau khi điều trị cho một bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do ăn cá thu nhiễm giun tròn Anisakis cách đây khoảng 4 năm. Trong lúc điều trị, ông Hideto phát hiện Anisakis, thủ phạm chính gây ngộ độc thực phẩm, tập trung xung quanh thành dạ dày của bệnh nhân, từ đó đã giúp phát hiện sớm căn bệnh ung thư ở người này.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.