(TNTS) Chưa biết tiền thưởng tết được bao nhiêu, Vân đã nhận được một số “đơn đặt hàng” đầy thống thiết về các khoản “không thể không vay” của họ hàng bên nội...
Đầu tiên là chị Ba hỏi vay ít tiền sửa nhà. Tiếp đến, anh Hai báo tin chiếc xe máy - “cần câu cơm” của gia đình anh vừa bị trộm lấy mất. Cậu út cũng gợi ý đang cần gấp một số vốn thanh khoản tiền hàng họ cuối năm. Chị Năm - không chồng, hiện đang sống cùng với vợ chồng anh Hai, thì bày tỏ muốn vay ít tiền đi chữa bệnh... Đó là chưa kể mấy dịp giỗ chạp cuối năm vốn cũng vẫn khoán trắng cho “vợ chồng cậu Tư” là Mai và Hải. Những khoản tiền như chong chóng bủa vây vợ chồng Vân, người được tiếng là giàu nhất nhà.
Đúng là vợ chồng Vân khá nhất nhà. Ba mẹ Hải mất sớm. Trong lúc các anh chị em ai cũng nghỉ học sớm, loanh quanh đi làm thuê kiếm sống thì Hải vừa làm vừa quyết chí học hành, lấy được cái bằng đại học kinh tế. Làm việc ở một công ty xuất nhập khẩu khá nổi tiếng, hiện Hải lên được chức trưởng phòng, lương vài chục triệu. Vân làm việc cho một công ty dược, lương cũng không thua kém chồng là mấy, nếu không nói các khoản thưởng còn cao hơn. Gia đình Vân khá giả, của hồi môn cho cô con gái đi lấy chồng là một mảnh đất trị giá bạc tỉ. Gom góp nhiều năm, vợ chồng xây được ngôi nhà khang trang, mua được xe hơi, cuộc sống khá đầy đủ.
Kể từ khi về làm dâu, Vân đã biết cảnh nhà Hải khó khăn. Ngôi nhà nhỏ bố mẹ anh để lại nhanh chóng bị bán đi ngay sau đám cưới của Hải và Vân, số tiền chia năm xẻ bảy và nhanh chóng tan biến theo các cách khác nhau. Trừ chị Ba mua được ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành, còn lại các gia đình đều phải ở nhà thuê. Anh Hai nướng vào đề đóm, chị Năm chơi hụi bị vỡ nợ, cậu út đầu tư làm ăn chẳng hiểu vì sao luôn thất bại, lỗ lã, nợ nần liên miên. Khi đó Hải không nhận đồng nào, nhường hết cho mấy anh chị em, vì dù sao anh cũng có lương hằng tháng. Hai vợ chồng thuê nhà nhiều năm mới kiếm đủ tiền xây cơ ngơi trên mảnh đất mà bố mẹ Vân cho. Năm đầu mới cưới, tết đến, Vân mua đủ gạo, mắm, thịt, giò... nhờ xe ôm chở đến nhà từng người, nhưng sau đó được gợi ý là “cứ biến thành tiền tiện hơn”. Thế là nay hỗ trợ người này, mai cho người kia vay. Hết việc của người lớn đến việc học hành của các cháu, hầu như không tháng nào Vân không phải chi một khoản gì. Những khoản vay hàng chục triệu thì luôn chỉ được trả một vài trăm khoảng một hai tháng đầu, sau đó “bóng chim tăm cá”. Chính chiếc xe anh Hai nói mất cũng là tiền vay của vợ chồng Vân chưa trả. Còn chị Ba “tiền sửa nhà” lần này cũng là lần thứ mấy rồi mà chưa sửa vì lúc nào cũng có khoản đột xuất cần chi nên “chuyển mục đích sử dụng” giờ chót. Khi hỏi vay thì chị nói quán bún bò của chị đắt khách lắm, khi vay được rồi thì than thở quán ế khách... Cậu út thì luôn khẳng định sẽ trả anh chị cả vốn lẫn lãi, lần nào cũng khoe “sẽ trúng to”, nhưng trúng thì cậu ngật ngưỡng ở mấy quán nhậu, mà lỗ thì lại đến anh chị, vị cứu tinh của cậu, với câu nói muôn thuở: “Sông có khúc người có lúc”.
Vân mệt mỏi, có lúc ấm ức nhưng không dám bày tỏ. Cho đến khi chính Hải cũng không chịu nổi cái cảnh người nhà suốt ngày tìm kiếm vợ chồng anh chỉ để hỏi tiền. Lý thuyết “cho cần câu chứ đừng cho con cá” của anh lắm lúc muốn sụp đổ vì cần câu cũng bị... bán. Như “vụ” anh Hai xin tiền cho đứa cháu học thêm tiếng Anh “cho dễ xin việc”, Hải kiểm tra, thấy cháu chỉ được học thêm kiểu a, b, c buổi tối ở một trung tâm hạng xoàng, trong khi “xin ứng” gấp ba, bốn lần số tiền thực học. Hải nổi giận, tuyên bố “không giúp ai nữa” thì lập tức Vân “được” cả nhà chồng xúm vào chê trách. Vân không phải người ích kỷ, nhưng “giúp” kiểu đó mãi cô cũng thấy buồn.
Hạ Minh
Bình luận (0)