Là người đã “nếm trải” thực tế trong quá trình hoạt động thiện nguyện hơn 5 năm, chị Nguyệt (tên thật Đào Thị Minh Lệ, 33 tuổi, quê Bạc Liêu) - nhân vật trong bài Nữ hiệp sĩ thiện nguyện: Phát quà hoài không giải quyết được gốc rễ vấn đề của Báo Thanh Niên, đã rút ra những kinh nghiệm quý báu và không khỏi tâm tư về cách làm thiện nguyện, sinh kế của người dân. Chị nói với tôi rằng đã có nhiều người nhắn chị nhằm chia sẻ ý tưởng cách làm thiện nguyện để không ai bị bỏ lại phía sau.
Tôi thiết nghĩ cần phải nói đến hành trình của chị, bởi lẽ đó là một hành trình hết mình để theo đuổi khát khao: Ai ở cũng có thực phẩm, y tế tốt; đồng bào dân tộc thiểu số hay hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa không phải sống mà cứ lo lắng điện, nước sinh hoạt hằng ngày. “Cộng đồng” và “Khuyến học” là hai dự án của chị Nguyệt triển khai hiện nay, nhắm tới đối tượng trẻ em và hoàn cảnh khó khăn, gồm các hoạt động xuyên suốt như xây nhà tình thương, cầu, đường... ở một số tỉnh miền Tây; giếng nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số; học bổng dài hạn cho trẻ mồ côi, khó khăn và có tài năng ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận...
Ngoài ra chị còn là thành viên vận động chính sách của nhóm “Trang mới cuộc đời” - một dự án phối hợp với Sở Tư pháp TP.HCM để làm giấy khai sinh cho trẻ nhập cư tại TP.
Trước khi dấn thân vào những dự án đó, chị Nguyệt đã từng hoạt động trong nhóm thiện nguyện chuyên đi phát quà, cháo... cho những hoàn cảnh khó khăn. Gần đây, chị Nguyệt “đăng đàn” kêu gọi mọi người quan tâm sinh kế của người dân sau lũ ở miền Trung bằng cách hỗ trợ bà con kinh phí sửa chữa nhà cửa, con giống, hạt giống cho vụ mùa mới khi lũ qua đi. Đồng thời, chị nói, về lâu dài, cần phải quan tâm đến việc sống chung với lũ. Chị tin rằng việc thiện là tốt nhưng nếu nó giúp phát triển tích cực như tạo điều kiện cho người gặp khó khăn trong xã hội để tự họ vươn lên bằng chính sức lực và nhận thức của họ thì sẽ có giá trị vững bền.
Bình luận (0)