Giúp trẻ ăn Tết ngon mà khỏe

16/01/2012 11:41 GMT+7

Trẻ có thể “quá tải” trước vô số loại thức ăn trong ngày Tết do chưa thể tự chủ và không biết cách chọn lựa. Do đó, cha mẹ phải chú ý hơn đến việc ăn uống của trẻ

Tết là một ngày hội của trẻ em. Xúng xính trong những bộ quần áo mới, trẻ được cha mẹ đưa đi chơi công viên, thăm ông bà, họ hàng và thích nhất là đi đến đâu cũng được cho ăn bánh kẹo thoải mái, mỗi nhà lại có những thứ bánh kẹo khác nhau mà nhiều món chỉ dịp Tết mới có. Thế là trẻ có thể bị “quá tải” trước vô số loại thức ăn do chưa thể tự chủ và không biết cách chọn lựa.

Đối với trẻ béo phì, bạn cần phải quản lý chặt các thực phẩm ngọt (sô-cô-la, bánh, mứt…) và để các món ăn béo (thịt mỡ, món chiên) ngoài tầm tay trẻ; luôn có sẵn rau, trái trong tủ lạnh và liên tục nhắc nhở, khuyến khích trẻ giữ chế độ ăn kiêng như cũ.
Việc trẻ ăn lặt vặt và không điều độ sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt như dễ rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, đầy bụng trướng hơi; ăn quá nhiều ngọt, béo gây ra béo phì thêm hoặc ngược lại, với trẻ đã lười ăn thì dễ bị “no ngang” nên không nhận đủ năng lượng trong bữa ăn chính dẫn đến sụt cân… Vì vậy, cha mẹ càng phải chú ý đến việc ăn uống của trẻ trong những ngày Tết. Sau đây là những việc cha mẹ cần làm:

Hãy cố gắng duy trì những bữa ăn chính của trẻ sao cho không có thay đổi nhiều so với những ngày bình thường. Ví dụ, khi trẻ vừa thức dậy thì nên cho ăn bữa sáng đủ no, nếu trẻ đòi ăn thêm bánh kẹo, mứt…, bạn hãy dùng kẹo, mứt đó làm phần thưởng cho trẻ sau khi trẻ ăn hết suất hoặc có thể ăn sáng ít đi một chút và cho ăn bánh kẹo ngay sau khi ăn sáng.

Nếu trẻ đòi ăn bánh tét, bánh chưng thì trong bánh đã có nếp (chất bột đường), thịt heo (chất đạm) và mỡ (chất béo), bạn hãy khuyến khích trẻ ăn thêm một ít kiệu và dưa hấu (nhóm rau trái) thì sẽ đủ 4 nhóm thực phẩm cần thiết trong bữa ăn chính. Tết là dịp có nhiều loại thực phẩm khác nhau trong nhà. Vì vậy, trẻ có thể ăn được nhiều món ăn khác nhau trong bữa ăn chính. Ví dụ, thay vì bạn bắt trẻ ăn hết một chén cơm thì có thể cho ăn nửa chén cơm rồi ăn thêm một mẫu bánh chưng hay xôi gà, ly chè đậu…

Mỗi ngày nên có ít nhất một bữa cơm với đủ món mặn, canh, xào như ngày thường. Những bữa ăn phụ có thể thay đổi một chút, với những món có sẵn tại nhà mà trẻ thích nhưng cần hướng dẫn cho trẻ chọn một món hay nhiều món phối hợp sao cho đủ dinh dưỡng cần thiết.

Tránh tình trạng cho trẻ ăn lặt vặt suốt ngày bằng cách quản lý thực phẩm (cất vào trong tủ kín, không để nhiều trong tủ lạnh…), hướng dẫn trẻ ăn tập trung thành bữa chính hoặc bữa phụ. Chú ý không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trong vòng 2 giờ trước bữa ăn chính.

Đối với trẻ cần tăng cân, các thực phẩm giàu năng lượng (ngọt, béo nhiều) cần khéo léo đưa vào bữa ăn chính và phụ.Cần nhớ rằng những viên kẹo hoặc miếng mứt đều ngọt lừ nên không thể cho trẻ ăn nhiều, bởi trẻ sẽ nhận được ít năng lượng nhưng nó lại làm “ngang dạ” dẫn đến ăn ít vào bữa chính. Do đó, cần chú ý chỉ cho trẻ ăn kẹo sau bữa ăn chính.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.