Gỗ Canada kết nối Cam kết Bền vững và Quản lý Hiệu quả ngành Gỗ Việt Nam

02/08/2024 20:00 GMT+7

Việt Nam đang khẳng định vị thế trên thị trường gỗ toàn cầu, xếp thứ 2 tại Châu Á, thứ 5 trên thế giới về giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ. Đến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 20 tỉ USD, cho thấy tiềm năng to lớn của ngành này. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ là trách nhiệm đảm bảo nguồn cung gỗ bền vững và có đạo đức.

Thị trường nội thất thân thiện môi trường cũng đang hứa hẹn bùng nổ với dự báo đạt 50,44 tỉ USD trong năm 2024 và 79,41 tỉ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) lên tới 7,85%. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với sản phẩm gỗ có nguồn gốc rõ ràng và được sản xuất một cách bền vững.

Gỗ Canada kết nối Cam kết Bền vững và Quản lý Hiệu quả ngành Gỗ Việt Nam- Ảnh 1.

Thị trường nội thất Việt ngày càng chú trọng tính hợp pháp của nguồn gỗ

Ảnh: Canadian Wood

Nắm bắt xu thế này, hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp đã được đưa vào ứng dụng. Theo đó, các doanh nghiệp trong ngành gỗ Việt Nam cần thực hiện thẩm định sản phẩm để đảm bảo gỗ được khai thác, gia công và thương mại một cách hợp pháp.

Gỗ mềm Canada được khai thác bền vững và có nguồn gốc minh bạch, pháp lý rõ ràng, có thể giúp các nhà sản xuất gỗ Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của quốc gia.

Nguồn cung gỗ mềm từ các khu rừng bền vững

Đáp ứng đủ các tiêu chí của hệ thống này, Canada đã chứng minh được uy tín của nguồn cung và được công nhận là nhà cung cấp các sản phẩm lâm nghiệp hợp pháp, bền vững.

"Canada được đánh giá cao hàng đầu thế giới về các phương pháp quản lý rừng bền vững. Bất cứ loại gỗ nào nhập khẩu từ quốc gia này đều được cam kết về nguồn gốc hợp pháp, tuân thủ các điều luật lâm nghiệp nghiêm ngặt," ông Vince Trần, Giám đốc Quốc gia Canadian Wood Việt Nam cho biết.

Gỗ Canada kết nối Cam kết Bền vững và Quản lý Hiệu quả ngành Gỗ Việt Nam- Ảnh 2.

Gỗ mềm Canada cam kết về nguồn gốc hợp pháp, tuân thủ các điều luật lâm nghiệp nghiêm ngặt

Ảnh: Canadian Wood

Tỉnh Tây Bắc của Canada, British Columbia (B.C.) là nguồn cung gỗ được quy hoạch bền vững lớn nhất tại quốc gia này. Theo nghiên cứu so sánh từ Đại học quốc gia British Columbia, một số phương pháp thực hành lâm nghiệp tại tỉnh bang B.C. được đánh giá là toàn diện bậc nhất thế giới. Khoảng 95% rừng của B.C. thuộc sở hữu công và được quản lý bởi các điều luật nghiêm ngặt cùng quy định khắt khe về môi trường.

Tính đến nay, rừng B.C. vẫn giữ vẹn nguyên diện tích so với thời điểm trước năm 1947, trở thành một trong những khu vực có tỷ lệ khai thác rừng thấp nhất thế giới. Tỉnh bang trồng hơn 200 triệu cây non mỗi năm, như một phần cam kết với chiến lược tái tạo rừng. Chỉ 3% diện tích đất của B.C. được chuyển đổi vĩnh viễn sang mục đích khác như nông nghiệp, chăn nuôi và phát triển đô thị. So với đất rừng tại những khu vực khác trên thế giới, tỉnh bang B.C. có tỷ lệ diện tích đất trồng cao nhất, chỉ xếp sau Nhật Bản.

Chứng chỉ rừng áp dụng cho gỗ nhập từ Canada

Với hơn 41 triệu hecta rừng được chứng nhận tại B.C., đây là một trong những khu vực có tỷ lệ rừng được chứng nhận cao nhất thế giới. Trên thực tế, Canada sở hữu 35% tổng diện tích rừng được chứng nhận toàn cầu, vượt xa các quốc gia khác.

Chứng nhận rừng là hệ thống đánh giá độc lập về tính bền vững và chất lượng quản lý rừng của doanh nghiệp. Mục đích giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm gỗ từ rừng được quản lý hiệu quả. Hai loại phổ biến nhất gồm chứng nhận quản lý rừng và chứng nhận chuỗi cung ứng, đều là yêu cầu bắt buộc khi doanh nghiệp muốn gắn nhãn sản phẩm gỗ được chứng nhận.

Tại Canada, có 3 tổ chức thứ ba đứng ra cung cấp các chứng nhận về quản lý bền vững: Tiêu chuẩn Quản lý Rừng Bền Vững của Hiệp hội Tiêu chuẩn Canada (CSA), Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) và Sáng kiến Lâm nghiệp Bền Vững (SFI).

Gỗ Canada kết nối Cam kết Bền vững và Quản lý Hiệu quả ngành Gỗ Việt Nam- Ảnh 3.

Thông qua chứng nhận, các nhà sản xuất Việt Nam có thể tự tin lựa chọn gỗ Canada bởi tính bền vững

Ảnh: Canadian Wood

Các chương trình chứng nhận được xác lập và giám sát bởi một trong hai tổ chức phi lợi nhuận độc lập: Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng (PEFC) và Hội đồng Quản lý rừng (FSC). Trong đó, CSA và SFI là chương trình được PEFC công nhận.

Mặc dù có một số khác biệt giữa các chương trình chứng nhận, cả ba đều được áp dụng rộng rãi tại tỉnh bang B.C. CSA, FSC và SFI đều hướng đến việc thúc đẩy các nguyên tắc, tiêu chuẩn và mục tiêu về quản lý rừng bền vững, bao gồm tái tạo rừng, khai thác hợp lý, bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã, đất, nước và hệ sinh thái xung quanh.

"Đây là lợi thế lớn cho cả hai phía. Các nhà sản xuất Việt Nam có thể hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc gỗ bền vững từ Canada, đồng thời, tận dụng sự đa dạng của các sản phẩm gỗ được chứng nhận mà chúng tôi cung cấp. Các chương trình chứng nhận uy tín này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp, khẳng định cam kết bảo vệ môi trường," ông Vince Trần nhận định.

Tìm hiểu thêm về các lợi ích của các sản phẩm gỗ Canada được khai thác bền vững và được chứng nhận tại: www.canadianwood.com.vn/en/resource

Liên hệ với chúng tôi: info@canadianwood.com.vn. | +84 274 380 3609


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.