Gỡ khó 'đeo vòng' cho heo

18/03/2017 06:00 GMT+7

Người nuôi và tiểu thương than khó thực hiện việc "đeo vòng" cho heo để nhận diện truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho rằng đây là điều tất yếu và bắt buộc phải làm.

Ngày 17.3, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phối hợp cùng Sở NN-PTNT, Sở Công thương Đồng Nai, Sở Công thương TP.HCM có buổi gặp gỡ trao đổi với người chăn nuôi, tiểu thương về những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc cho heo.
Chi phí đeo vòng, ai chịu ?
Ông Bộ, chủ một trang trại heo ở Đồng Nai, cho hay các trang trại ở Đồng Nai đều có mã số trang trại, giấy phép chích vắc xin, giấy chuyển vùng heo có niêm phong trước khi chuyển về TP.HCM... cũng là các loại giấy tờ có thể truy xuất nguồn gốc. “Cơ quan chức năng làm sao tháo gỡ bằng cách bấm vào tai heo thay cho đeo vào chân. Hoặc đeo vòng lúc con heo đã được giết mổ tại lò ở TP.HCM thì thuận lợi hơn”, ông Bộ nói.
Bà Bùi Thị Thủy (một thương lái) nói: “Lúc chúng tôi mua heo tại trại thì thú y cho người tới kiểm tra từng con. Heo lên xe cũng được niêm phong kỹ, rồi qua mấy chốt kiểm dịch còn soi từng con mới cho nhập vào TP.HCM. Đến lò mổ, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, làm thịt xong thì lăn dấu từng con... Làm chặt chẽ rồi thì cần gì vòng truy xuất nguồn gốc nữa”.
Ông Phạm Đức Thu (chủ một trang trại heo ở xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) đề nghị: “Bắt đeo vòng cho heo cũng được, nhưng chi phí đó (6.000 đồng/vòng) Sở Công thương TP.HCM phải chịu, chứ để người chăn nuôi chịu sao được”.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, cho hay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện được cả nước quan tâm và TP.HCM làm đề án truy xuất nguồn gốc là đúng. Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi trọng điểm của cả nước, trên 50% số heo sản xuất ra đều đưa về TP.HCM để tiêu thụ. Việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc cũng giúp quản lý tốt hơn về công tác chăn nuôi ở địa phương. Tuy nhiên, bà con có nhiều vướng mắc. Việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc, kích hoạt... liên quan đến công nghệ, đối với cán bộ thú y thì còn dễ, nhưng khi giao cho bà con tiểu thương lúng túng, không nắm được quy trình vận hành hệ thống.
Khó cũng phải làm
Ông Nguyễn Nguyên Phương (đại diện Sở Công thương TP.HCM) cho hay việc đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc làm theo quy trình đã được cơ quan quản lý nhà nước, các cấp ngành nghiên cứu, tính toán đến mức hợp lý nhất. Sở Công thương TP.HCM sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai triển khai, tư vấn giải thích cụ thể cho bà con biết để thực hiện.
Theo ông Phương, sắp tới TP.HCM cũng sẽ truy xuất nguồn gốc trên thịt trâu, bò chứ không riêng gì heo. Việc đeo vòng truy xuất là bắt buộc, xu hướng tất yếu. Có thể thời điểm hiện nay chưa phát huy hết hiệu quả nhưng sắp tới có lộ trình sẽ hướng dẫn đầy đủ, có giải thích và hỗ trợ để từng bước làm tốt dần lên. “Làm như thế là giúp heo Đồng Nai gây dựng được thương hiệu và giá bán tốt hơn, chứ không nên trông chờ vào thị trường Trung Quốc vốn bấp bênh. Còn về chi phí vòng đeo thì chúng tôi sẽ xem xét, báo cáo lãnh đạo TP.HCM. Có thể trong thời gian đầu, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ được hỗ trợ 50% chi phí mua vòng”, ông Phương nói.
Trong khi đó, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, cho biết vòng đeo truy xuất nguồn gốc chỉ là bước đầu. Sau khi giết mổ, thịt heo sẽ được chuyển qua dán tem giấy, có thể truy xuất được các thông tin. Hiện 2/3 số heo cung cấp cho TP.HCM đã được nhận diện truy xuất nguồn gốc. “Ở đây người chăn nuôi đang bị nhập nhằng giữa an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. An toàn thực phẩm, dịch bệnh là việc của thú y hằng ngày vẫn làm. Còn đeo vòng để kiểm soát nguồn gốc lại là một góc độ khác. Với những phản ánh của người dân liên quan đến công nghệ, chúng tôi sẽ chủ động làm việc với các đơn vị liên quan để hỗ trợ bà con thực hiện tốt hơn”, ông Trung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.