Đó là 115 phách gỗ pơ mu tập kết bên trong khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang và một lượng gỗ lớn cất giấu tại Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang chỉ 15m. Việc phá rừng diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, năm này qua năm khác ngay trong khu vực quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung, nhưng như Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi “Đây là khu vực cấm nhưng tại sao chúng ta không phát hiện mà để người dân phát hiện?”. Làm việc với đoàn kiểm tra tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo lực lượng kiểm lâm, biên phòng ngay lập tức “xin nhận trách nhiệm”. Tương tự, vụ phá rừng ở khu vực thủy điện Đồng Nai 5 (Bảo Lâm, Lâm Đồng), lâm tặc hoạt động liên tục hơn hai năm nay, ngay sát nách các đơn vị có chức năng bảo vệ rừng ở đây. Tuy nhiên, khi lực lượng của Bộ Công an bất ngờ ra quân thì mới bắt quả tang 19 người đang khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Còn lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ rừng ở khu vực này gần như tê liệt.
Phải nói thẳng ra rằng, việc để cho lâm tặc ngang nhiên phá rừng chính là sự ngó lơ, thậm chí là hành vi “bảo kê”, tiếp tay cho lâm tặc. Bởi nếu không thì đố tên lâm tặc nào dám công khai xẻ gỗ, rồi vận chuyển gỗ lậu đi tiêu thụ như chốn không người như vậy. Hiện tượng “bảo kê”, tiếp tay cho các sai phạm thực sự đáng báo động trong xã hội. Hôm qua 21.7, Công an Cần Thơ đã thông tin chính thức việc bắt tạm giam hai đội trưởng và một đội phó thanh tra giao thông TP.Cần Thơ phụ trách quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy có hành vi nhận tiền "bảo kê" của hàng chục hãng xe, doanh nghiệp vận tải với tổng số tiền lên đến 3,4 tỉ đồng. Hàng chục hãng xe chuyên chở vật liệu xây dựng, chở nước đá, chở cá... từ Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau khi đi ngang địa bàn quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy phải chung chi cho thanh tra giao thông, nếu không sẽ bị kiểm tra, gây khó dễ. Đây là câu trả lời xác thực nhất cho tình trạng vì sao đã có đủ các quy định kiểm tra, giám sát, chế tài nhưng xe quá tải, xe chở hàng lậu vẫn hoành hành ngày đêm trên các tuyến đường. Thế nhưng, trong thực tế khi xử lý các vụ vi phạm pháp luật như thế này, những người đứng đầu các ngành liên quan thường chỉ kiểm tra, báo cáo, giải trình và cuối cùng “rút kinh nghiệm hoặc nhận trách nhiệm” coi như xong chuyện. Vì vậy, những cánh rừng gỗ quý hàng trăm tuổi vẫn tiếp tục “chảy máu”; những hành vi coi thường pháp luật như xây nhà trái phép, xe chạy quá tải hay chở hàng lậu vẫn ngang nhiên trên đường...
Ngày 20.6 vừa qua, tại hội nghị bàn về giải pháp khôi phục và phát triển rừng Tây nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, móc nối, bao che, dung túng phá rừng, kể cả xử lý hình sự. Thủ tướng nói: “Gỗ rừng đâu phải cây kim mà có thể bỏ túi rồi đi được”. Vâng, cùng với tình trạng phá rừng là các hiện tượng “bảo kê” cho những sai phạm khác đang thách thức pháp luật và làm xói mòn lòng tin của người dân vào chế độ. Đã đến lúc phải xử lý kiên quyết với hiện tượng nhức nhối này, và không thể cứ “xin nhận trách nhiệm” là xong!
Bình luận (0)