Góc khuất Hà Nội

10/08/2015 09:20 GMT+7

Dạo quanh Hà Nội ta thấy có những con phố thật sầm uất, thật mỹ lệ. Nhưng Hà Nội cũng có những góc khuất khiến người ta không khỏi nôn nao.

Dạo quanh Hà Nội ta thấy có những con phố thật sầm uất, thật mỹ lệ. Nhưng Hà Nội cũng có những góc khuất khiến người ta không khỏi nôn nao.

Căn nhà của bà Dương Tam Hạnh chỉ có một khoảng trống nhỏ vừa là lối đi, vừa là chỗ ngủ
Căn nhà của bà Dương Tam Hạnh chỉ có một khoảng trống nhỏ vừa là lối đi, vừa là chỗ ngủ - Ảnh: Trần Hồ
Khác hẳn với sự hào nhoáng, cổ kính, thanh lịch bên ngoài của khu phố cổ Hà Nội, là cảnh nhiều người đang phải sống ngột ngạt trong sự chật hẹp, đông đúc và thiếu thốn…
Là một người gốc Hà Nội, nhưng gia đình bà Dương Tam Hạnh, 68 tuổi (phố Đồng Xuân, Q.Hoàn Kiếm) phải ở trong căn gác xép chỉ rộng 10m2 với 3 thế hệ cùng chung sống. Bà Hạnh chia sẻ: “Ở đây, đất chật người đông, dù sống ở phố cổ nhưng không gian sống chật hẹp, khó khăn lắm, với 3 thế hệ lên đến 10 người, mọi sinh hoạt hầu hết diễn ra trong căn nhà nhỏ. Tất cả đồ đạc cần thiết nhưng cũng không được mua như: tủ lạnh, tủ quần áo, giường ngủ… Nếu ngủ thì trải chiếu nằm dưới sàn nhà thôi”.
Hiện gia đình bà Hạnh đều là những người làm nghề lao động chân tay, sống trong ngõ hẹp, không gần mặt đường, không thuận lợi cho buôn bán, kinh doanh như những người dân sống trên phố, nên cuộc sống của gia đình bà Hạnh gặp nhiều khó khăn. Nhất là vào mùa hè, bầu không khí ngột ngạt, oi bức, chật hẹp làm cho căn nhà giống như lò thiêu, khổ nhất vẫn là những đứa cháu nhỏ, không có không gian vui chơi.
Cũng sống trong khu phố cổ, căn nhà của ông Nguyễn Anh Tuấn, 51 tuổi, ngõ Phất Lộc (P.Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm) chỉ rộng 8m2, nhưng có đến 6 người sinh sống. “Ở đây từ việc ăn uống, đến ngủ nghỉ đều diễn ra dưới sàn nhà, cố lắm thì cũng chỉ để được cái bàn thờ tổ tiên, cái tivi để xem thôi, còn đồ đạc lớn thì không thể đưa vào được”, ông Tuấn than thở. Là người làm nghề buôn bán, nên khi lấy hàng hóa về, thì hầu như ông phải để ngoài ngõ, nhiều khi kín cả lối đi, không có chỗ để vào nhà.
Ngõ nhỏ, phố nhỏ
Ở phố cổ, có lối đi nhỏ hẹp đến khó tin mà người đi phải nghiêng mình mới vào được. Các ngõ này đều nằm trên những con phố sầm uất, nếu không quan sát kỹ thì không thể nhận ra đấy là lối đi của những cư dân. Khi đến đây, nhiều người còn có thể nhầm đó là khe thoáng của các nhà liền kề.
Ngõ 13 Đồng Xuân thuộc vào những ngõ siêu nhỏ. Nơi hẹp nhất của ngõ chỉ có 55cm, nơi rộng nhất cũng chỉ đến 70cm, chiều cao nhất cũng chỉ hơn 1,7m. Tuy vây, trong ngõ có 6 hộ gia đình sinh sống. Bà Nguyễn Thị A, 75 tuổi cư dân ở đây cho biết: “Nhiều khi đi qua ngõ mọi người gặp nhau phải tránh bằng cách người này dừng lại, nép người vào bức tường, người kia cũng nép người vào tường rồi nhích từng bước chân mới qua được. Chưa kể, hàng hóa, đồ đạc cồng kềnh thì không thể chui vào, thậm chí xe máy cũng phải đi gửi ở nơi khác”.
Cách đó không xa là ngõ 3B Đồng Xuân được coi là ngõ nhỏ nhất ở Hà Nội, nơi hẹp nhất chỉ có 50cm, rộng nhất là 60cm, cao nhất chưa đến 1,7m. Ngõ nhỏ hẹp, nhưng bên trong là nơi sinh sống của 2 hộ dân với 14 nhân khẩu. Để vào ngõ, thì chỉ có đi người không, còn các vật dụng khác không thể mang vào được.
Bà Nguyễn Thị Dục , 66 tuổi cho biết: “Muốn mang đồ qua ngõ thì phải cõng trên lưng. Đã nhiều chuyện bi hài xảy ra trong những ngõ siêu nhỏ như: người này dắt xe đạp đi qua, người kia đi bộ phải đi lùi lại chờ xe đạp qua rồi vào đi tiếp. Đặc biệt, do thiếu ánh sáng, nên khi đi qua đây nhiều người phải mò mẫm, men theo tường mà đi, thậm chí có khi va đầu vào nhau…”
Quanh năm thiếu nước sạch
Tại ngõ Phất Lộc, người dân luôn phải chịu cảnh không có nước sạch. Ở đây, người dân phải tay xách nách mang, đi lấy nước giếng khoan về để sinh hoạt. Ông Nguyễn Xuân Hợp sống ở ngõ Phất Lộc, cán bộ về hưu cho biết: “Ở đây thường xuyên mất nước, mùa đông còn mất ít, về mùa hè khổ lắm, mất nước vô tội vạ, phải chạy đi lấy nước giếng khoan về dùng, nhưng cũng chỉ để tắm giặt thôi, còn nấu ăn thì không dùng được”.
Người dân muốn có nước thì chỉ đợi về khuya hoặc phải thức tới sáng mới có thể lấy được. Nhiều khi họ phải thức trắng đêm để đợi có nước và nhiều người như gia đình ông Hợp, phải mua máy bơm công suất lớn để hút nước về, mà cũng không thể cải thiện được tình hình. Đặc biệt, những gia đình ở cuối phố còn khó khăn hơn. Hầu như nước không thể đến nơi, để những người dân này có nước sử dụng.
Bà Trần Thị Thành ở 46 Phất Lộc chia sẻ: “Ở đây có nhà 5 ngày liên tiếp không có nước, những nhà đầu nguồn họ có thể lấy được ít, còn cuối nguồn thì chịu. Nước giếng khoan ở đây rất đục, cũng chỉ để rửa ráy và vệ sinh thôi”.
Ông Nguyễn Khánh Long, Tổ trưởng Tổ dân phố 20 ngõ Phất Lộc cho biết: “Mấy năm gần đây nước mất liên tục, đặc biệt vào mùa hè năm nay, có lần ở đây, mất nước hơn 10 ngày liên tiếp. Để tiết kiệm, nhiều người cả tắm, cả gội chưa hết một chậu nước…”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.