Mới đây, ngày 18.8, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ khiếu kiện quyết định hành chính, giữ người khởi kiện là ông P.V.B (ngụ tỉnh Trà Vinh) và người bị kiện là giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh và Phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh.
Ông B. khiếu kiện, yêu cầu hủy quyết định xử lý vi phạm hành chính của Phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh. Hủy các quyết định về việc giải quyết khiếu nại của giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh đối với ông B..Đồng thời, công khai xin lỗi ông trước dân và phương tiện thông tin đại chúng.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, người khởi kiện không đưa ra chứng cứ mới nào để chứng minh. Vì vậy, HĐXX không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Kiện CSGT vì "tự ý kiểm tra giấy tờ"
Theo nội dung án sơ thẩm, vào khoảng 10 giờ 30 ngày 14.9.2018, ông B. điều khiển xe máy đến đường thuộc P.2, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh thì bị CSGT yêu cầu dừng xe, xuất trình giấy tờ kiểm tra.
Lúc này, ông B. dừng xe và đã yêu cầu tổ tuần tra CSGT cho xem chuyên đề, kế hoạch tuần tra trước rồi mới xuất trình giấy tờ sau. Tuy nhiên, tổ tuần tra không cho ông B. xem chuyên đề, kế hoạch tuần tra mà lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và tạm giữ xe ông B. về lỗi không chấp hành yêu cầu kiểm tra kiểm soát.
Không đồng ý, ngày 20.9.2018 ông B. khiếu nại đến Phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh về việc “Tổ tuần tra, kiểm soát tự ý kiểm tra giấy tờ của người điều khiển phương tiện khi xe đang lưu thông, không cho xem chuyên đề, kế hoạch tuần tra.” Ngày 22.10.2018, Trưởng phòng CSGT tỉnh Trà Vinh giải quyết khiếu nại, với nội dung trả lời đơn khiếu nại của ông B. là sai.
Ông B. tiếp tục làm đơn khiếu nại, gửi Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh. Theo quyết định giải quyết khiếu nại thì nội dung giải quyết khiếu nại lần đầu là đúng một phần. Do không thống nhất với các quyết định nói trên, ông B. khởi kiện ra TAND tỉnh Trà Vinh. Xét xử sơ thẩm, TAND Tỉnh Trà Vinh bác đơn kiện của ông B.
Người dân có được phép xem chuyên đề, kế hoạch tuần tra?
Tại các biên bản làm việc, đơn khởi kiện và tại tòa, ông B. cho rằng mình không chấp hành xuất trình giấy tờ vì ông yêu cầu tổ công tác cho xem chuyên đề, kế hoạch tuần tra trước rồi mới thực hiện. Ngoài ra, ông B. cũng cho rằng việc tổ công tác không cho ông xem chuyên đề, kế hoạch tuần tra là sai, vì đó không phải là tài liệu mật.
Theo HĐXX, tại thông tư 11/2010/TT-BCA ngày 25.3.2010, quy định danh mục bí mật Nhà nước trong lực lượng Công an nhân dân, thì kế hoạch công tác trong lực lượng công an là tài liệu mật. Và quy định trên của thông tư đã được Cục Cảnh sát ban hành văn bản, thể hiện rõ kế hoạch là tài liệu, nghiệp vụ ngành công an, chỉ cấp thẩm quyền mới được kiểm tra.
Chuyên đề, kế hoạch tuần tra của CSGT là tài liệu mật?Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), thông tư 01/2016/TT- BCA, CSGT được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
"Khi bị CSGT kiểm tra giấy tờ, người dân có quyền căn cứ vào Điều 28 Hiến pháp 2013 để thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với cán bộ thực thi pháp luật, yêu cầu CSGT cho xem các nội dung tuần tra, kiểm soát đúng như Luật quy định hay không. CSGT là người thực thi pháp luật, nên giải thích cho người dân hiểu thì mọi việc rất dễ dàng. Không nên cứng nhắc khi dân yêu cầu xem, thì cho đó là tài liệu Mật, làm mất đi quyền giám sát của công dân”, luật sư Tuấn cho biết.
Cũng theo luật sư Tuấn, mặt khác, căn cứ Thông tư 33/2015/TT-BCA hướng dẫn thực hiện Nghị định 33/2002/NĐ-CP Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước quy định về tài liệu mật là tài liệu thuộc vào danh mục bí mật nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định và được đóng dấu độ mật bao gồm : Tuyệt mật, Tối mật, Mật.
Vì vậy, luật sư Tuấn cho rằng trong trường hợp này thì chuyên đề, kế hoạch tuần tra kiểm soát của CSGT không phải là tài liệu mật thuộc danh mục bảo vệ bí mật nhà nước.
|
Như vậy, ông B. đã có hành vi “Không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ” như biên bản vi phạm hành chính mà tổ tuần tra đã lập biên bản. Hành vi của ông B. đã vi phạm khoản 5, điều 11, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, nên Phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh ra quyết định xử phạt ông B. là có cơ sở.
Việc ông B. khiếu nại ra rằng Quyết định xử phạt hành chính của Phòng CSGT Công an tỉnh trà Vinh là không khách quan, không phản ánh đúng thực tế.
Vấn đề này, HĐXX thấy rằng ông B. đã bị xử phạt về hành vi “Không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ”. Ông B. không xuất trình giấy tờ cho tổ tuần tra, mà yêu cầu tổ tuần tra phải cho ông xem chuyên đề, kế hoạch trước như trên đã nêu. Như vậy, việc ông B. nại ra Quyết định xử phạt hành chính trên không khách quan, phản ánh không đúng thực tế là sai sự thật.
Xét khiếu nại của ông B. về việc tổ tuần tra không giao biên bản vi phạm hành chính cho ông. HĐXX thấy rằng, từ việc ông B. bị xử phạt vi phạm hành chính cho thấy ông B. không hợp tác tốt với tổ tuần tra.
Khi lập biên bản, tổ tuần tra có mời Công an viên thuộc P.2, thị xã Duyên Hải đến chứng kiến và kí tên vào biên bản theo đúng quy định pháp luật. Hành vi của ông B. được lập biên bản, đọc công khai cho ông B. nghe, coi như đã công khai, minh bạch, đảm bảo quyền của người vi phạm pháp luật. Như vậy, ông B. là người vi phạm không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, không ký tên vào biên bản là lỗi của ông B.
Do đó, HĐXX phúc thẩm nhận định các quyết định xử phạt hành chính của Phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh và quyết định giải quyết khiếu kiện của giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh là hoàn toàn có cơ sở.
Bình luận (0)