Góc tư vấn: Tự ý dùng thuốc bổ não cho con, nên không?

18/09/2020 11:06 GMT+7

Chị Nguyễn Thị Hiền, phụ huynh tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), hỏi: “Tôi thấy con học hành vất vả, muốn mua thuốc bổ não cho con, có thể tự ra nhà thuốc mua được không?”.

Dược sĩ Trương Minh Đạt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu y dược, trả lời: “Có rất nhiều loại thuốc bổ não, được quảng cáo với công dụng giúp tăng trí nhớ, tăng khả năng học tập, thi cử… nhưng thực ra cơ chế lại hoàn toàn khác nhau.
Nhóm 1 là các sản phẩm bổ sung các chất dinh dưỡng cho não ví dụ bổ sung vitamin nhóm B, đôi khi là tổng hợp các vitamin như: A, E, DHA, Omega… Các sản phẩm bổ não thuộc nhóm dinh dưỡng khá an toàn, nhưng không có nhiều tác dụng nếu trẻ ăn uống đầy đủ, đa dạng.
Nhóm 2 là các loại dược liệu, phổ biến nhất từ bạch quả. Chúng chứa chất chống ô xy hóa giúp bảo vệ chống lại tổn thương tế bào ô xy hóa từ các gốc tự do có hại. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm nếu sử dụng quá liều hoặc trong thời gian dài.
Nhóm 3 là các hoạt chất Tây y như là: Phosphatidylserine, Piracetam, Aniracetam, Vinpocetin, Acetylcholine, Acetylcarnitine... Những thuốc này có cơ chế tác động khác nhau lên não bộ, nhìn chung đều có những tác dụng phụ và thông thường chỉ dùng trong những trường hợp bệnh lý có chỉ dẫn của bác sĩ.
Một nhóm khác là các thuốc của nhóm chất kích thích thần kinh như cafein, nicotine, hoặc chiết xuất từ trà xanh. Nhóm ngăn chặn các chất khiến não bộ thư giãn, nghỉ ngơi, nó làm hệ thần kinh luôn trong trạng thái hoạt động và tỉnh táo. Nhóm này có nhiều tác dụng phụ, nhất nếu trẻ lạm dụng thường xuyên.
Tất cả những loại thuốc bổ não trên đều có hiệu quả điều trị rõ rệt nếu đúng bệnh, đúng đối tượng. Nhưng không phải loại nào cũng có thể tự ý bổ sung được. Một số thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng có thể thay đổi hoạt động của hệ tim mạch, hệ cơ vận động, làm thay đổi hoạt động của tiêu hóa, nên nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.