Sáng 10.10, tại thủ đô Vientiane (Lào) diễn ra Hội thảo khoa học tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng hóa nội địa để phát triển đất nước do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với T.Ư Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Lào tổ chức.
Tham dự chương trình có anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; anh Monxay Laomuasong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư T.Ư Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Lào, cùng đại biểu thanh niên hai nước.
Tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Tại hội thảo, đại biểu thanh niên hai nước đã có những bài tham luận quý báu về những mô hình của thanh niên đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chị Lê Thị Ngọc Hà, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Quảng Bình, đã chia sẻ về vai trò của tổ chức Đoàn trong việc đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế đất nước.
Chị Hà cho biết Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chú trọng việc tạo môi trường, sân chơi để tìm kiếm, sàng lọc và củng cố các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng. Đoàn cũng tổ chức các hoạt động kết nối các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên với các nhà đầu tư tiềm năng; hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho thanh niên; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Anh Trần Quang Minh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.Đà Nẵng, đã có bài tham luận "Mô hình kinh doanh, khởi nghiệp của cá nhân và việc đóng góp vào kinh tế đất nước, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam".
Theo anh Minh, mô hình kinh doanh cá nhân và khởi nghiệp tạo ra cơ hội việc làm mới. Khi cá nhân quyết định tự mình khởi nghiệp, họ thường cần thuê nhân lực, từ đó giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện tình hình việc làm trong xã hội. Mô hình này còn thúc đẩy sáng tạo.
"Cá nhân thường có tự do để thử nghiệm ý tưởng mới và sáng tạo. Họ không bị ràng buộc bởi quy trình tổ chức lớn và có thể nhanh chóng thích nghi với thị trường, giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, cải tiến trong các ngành công nghiệp", anh Minh nói.
Đồng thời, anh Minh cho rằng nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu từ mô hình kinh doanh cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ. Họ phát triển dựa trên tài năng và ý tưởng cá nhân, sau đó mở rộng để đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Chuyển đổi nông sản thành sản phẩm
Tại hội thảo, đại biểu NouKham Inthavong, đại diện Đoàn Thanh niên Học viện Khoa học và Kinh tế Lào (LASES), đã chia sẻ về "Tình hình kinh tế Lào hiện nay và xu hướng phát triển kinh tế trong tương lai".
Anh Thansamay Vorlaphin, đại diện Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào, đã tham luận với chủ đề "Chính sách và định hướng khuyến khích thanh niên chuyển đổi nông sản thành sản phẩm". Theo đó, Đoàn Thanh niên của Lào đã tập trung 4 khâu đột phá: về tư tưởng, rèn luyện học tập, tổ chức phong trào và tổ chức các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp.
Anh Thansamay Vorlaphin cũng cho biết Đoàn Thanh niên của Lào đã thực hiện 8 chính sách quốc gia, trong đó khuyến khích phát triển nông nghiệp; xây dựng phát triển nhóm chủ lực để hỗ trợ sản xuất; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để kiểm định sản phẩm phù hợp nhu cầu trong nước và quốc tế; tạo cơ sở vật chất cho các nhà sản xuất lưu trữ và vận chuyển để sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cũng thực hiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên nông dân đầu tư sản xuất những cây trồng ưu tiên đã có hợp đồng xuất khẩu với các nước lân cận…
Gợi mở hướng hợp tác bền vững, lâu dài
Kết thúc tọa đàm, anh Bùi Quang Huy đánh giá hội thảo khoa học được tổ chức thành công hôm nay một lần nữa thể hiện tinh thần chung sức, đồng lòng của thanh niên Việt Nam và Lào trên mọi lĩnh vực; cùng nhau chia sẻ quan điểm, tư tưởng, hỗ trợ nhau cùng phát triển và vươn đến những tầm cao mới.
Hội thảo đã khẳng định vai trò quan trọng của đoàn viên, thanh niên, lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
"Hội thảo một lần nữa khẳng định quyết tâm, trách nhiệm và phát huy vai trò xung kích của thanh niên hai nước trong việc giữ gìn và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, giữa tổ chức Đoàn và tuổi trẻ hai nước.
Hội thảo đã gợi mở hướng hợp tác bền vững, lâu dài, những điểm tương đồng để thanh niên hai nước cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ cùng phát triển, đặc biệt là trong công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế bền vững; phát huy mô hình kinh tế hiệu quả do thanh niên làm chủ, gắn với kinh tế xanh, môi trường xanh, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân, đặc biệt là thanh niên nông thôn", anh Huy khẳng định.
Anh Huy tin tưởng những ý kiến đóng góp quý báu của hội thảo sẽ là kinh nghiệm, hành trang cho các bạn thanh niên Lào - Việt Nam khởi nghiệp, lập nghiệp, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của mỗi nước.
Kết thúc hội thảo, anh Monxay Laomuasong đánh giá cao kết quả và thành công của hội thảo. "Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đoàn kết, hữu nghị và chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm đóng góp cho thành công của hội thảo", anh Monxay Laomuasong nói.
Bí thư Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Lào đề nghị các đại biểu cùng nhau mang thông tin, kinh nghiệm của hội thảo về sử dụng vào thực tiễn cuộc sống, mang lại lợi ích cho thanh niên; thúc đẩy thanh niên tham gia sản xuất, tiêu dùng nội địa để phát triển đất nước.
Bình luận (0)