Google Photos xử lý hình ảnh của bạn khéo đến mức nào?

31/12/2018 14:47 GMT+7

Google Photos là nền tảng giúp bạn chia sẻ tất cả hình ảnh cá nhân giữa các thiết bị với nhau, bất kể đó là loại hình ảnh gì. Vậy điểm mạnh của dịch vụ này là gì?

Khả năng lưu trữ không giới hạn hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người. Tuy nhiên giới hạn miễn phí này chỉ cho phép bạn tải hình ảnh lên dưới dạng “Chất lượng cao” (High quality), còn nếu muốn lưu lại “Chất lượng gốc” (Original) thì bạn phải trả phí dịch vụ Google Drive hoặc sở hữu điện thoại Google Pixel.
Nếu không để ý hai tùy chọn này khi cài đặt Google Photos lần đầu, hay chưa kiểm tra mục cài đặt ứng dụng, bạn sẽ không nhận ra sự khác biệt giữa chúng.
Trang công nghệ PhoneArena thực hiện một thử nghiệm để kiểm tra chất lượng hình ảnh của tùy chọn “Chất lượng cao” và tìm hiểu điều gì xảy ra khi bạn tải lên tập tin hình ảnh lớn hay tập tin dạng RAW.
Đầu tiên, hãy đọc lướt qua Google mô tả như thế nào về hai tùy chọn này:
Chất lượng cao: Lưu trữ miễn phí không giới hạn. Hình ảnh được nén lại để tiết kiệm dung lượng lưu trữ. Nếu hình ảnh lớn hơn 16 MP (megapixel), nó sẽ được thay đổi kích thước xuống còn 16 MP. Video chất lượng cao hơn 1.080p sẽ được thay đổi kích thước xuống còn 1.080p. Video chất lượng 1.080p hoặc nhỏ hơn gần như sẽ giữ nguyên như chất lượng ban đầu.
Chất lượng gốc: Dung lượng lưu trữ miễn phí giới hạn (15 GB). Tất cả hình ảnh và video được lưu trữ với độ phân giải gốc. Khuyến nghị tùy chọn này cho những hình ảnh chất lượng cao hơn 16 MP và video độ phân giải trên 1.080p.
Đối với ảnh có kích thước nhỏ (dưới 16 MP)
Hãy bắt đầu với một bức ảnh 12 MP chụp bởi Galaxy S8, được tải lên dưới tùy chọn “Chất lượng cao”. Hình ảnh sẽ không bị thay đổi kích thước, nhưng bạn thử nhìn xem hình ảnh có giảm chất lượng không khi bị Google Photos nén lại:
Thuật toán nén ảnh của Google Photos khá ấn tượng Ảnh chụp màn hình
Như bạn thấy, bản thân bức ảnh không bị giảm kích thước, nhưng dung lượng ảnh bị nén xuống hơn 16 MB, chỉ còn khoảng 1 MB. Và sự khác biệt gần như không thể nhận ra. Sức mạnh của thuật toán nén trên Google Photos thật khó thể phủ nhận. Bản chất hình ảnh gốc là lớn, vì người chụp sử dụng tính năng “Selective Focus” trên Samsung, phù hợp với cách chụp cận cảnh. Và Google có thể giảm dung lượng tập tin xuống nhiều như vậy bởi vì phần lớn diện tích trong ảnh bị nhòe nét không nhiều chi tiết, cho phép áp dụng khả năng nén triệt để tại những phần này.
Tiếp đó, PhoneArena quyết định cắt phần ảnh tại vị trí hoa bồ công anh và zoom lên để tiếp tục so sánh vì đây là nơi mật độ chi tiết điểm ảnh cao.
Hình ảnh so sánh tiếp theo Ảnh chụp màn hình
Họ tiếp tục bị ngạc nhiên vì khó có thể nhận ra những khác biệt giữa hai hình ảnh tại vị trí cắt. Họ quyết định zoom tiếp lên mức 622%.
Phải Zoom ảnh lên rất cao mới thấy sự khác biệt Ảnh chụp màn hình
Bây giờ bạn dễ dàng nhận ra một chút khác biệt giữa hai hình ảnh. PhoneArena chia sẻ, trừ khi bạn zoom lên khoảng 500%, bạn sẽ chẳng thể nào tìm được sự khác nhau. Và sẽ chẳng có người dùng thông thường nào lại zoom ảnh đến mức độ này.
Họ dùng một bức ảnh khác để thử nghiệm, cũng chụp từ S8:
Một bức ảnh so sánh khác chụp từ máy Samsung Ảnh chụp màn hình
Ngạc nhiên thay, trong trường hợp này, dù kích thước hình ảnh tương tự trước đó, Google Photos quyết định giảm dung lượng ảnh lẫn kích thước ảnh xuống. Sau khi được nén, kích thước ảnh giảm xuống còn khoảng 7 MP. Và bạn cũng khó nhận thấy sự khác biệt giữa hai bức ảnh. PhoneArene thử tải bức ảnh gốc lên lần thứ hai và nhận được kết quả tương tự.
Đối với ảnh có kích thước lớn hơn 16 MP
Lần này, nhóm thử nghiệm dùng hình ảnh chụp từ Huawei P10 với chế độ đơn sắc:
Hình ảnh so sánh với chất lượng cao hơn Ảnh chụp màn hình
Trong trường hợp này, bức ảnh bị giảm kích thước xuống còn 16 MP, nhưng dung lượng ảnh thì không giảm đáng kể. Họ chú ý được rằng bức ảnh trở nên nhỏ hơn một chút, nhưng mức độ chi tiết gần như tương tự.
Họ lại chụp một bức ảnh khác từ P10, cũng với chế độ đơn sắc:
Hình ảnh chụp đơn sắc Ảnh chụp màn hình
Chuyện cũ lặp lại, kích thước ảnh bị giảm xuống về 16 MP, và vẫn nhìn ổn. Tuy nhiên, PhoneArena cho biết Google Photos dường như cũng đã thay đổi tỷ lệ khung hình một chút. Tức là, hình ảnh gốc ban đầu được chụp ở tỷ lệ khung hình chuẩn 4:3, nhưng sau khi bị nén lại, kết quả nhận được là hình ảnh có tỷ lệ khung hình hơi rộng hơn và chẳng theo một tỷ lệ chuẩn nào. Điều này không dễ để nhận ra, nhưng rõ ràng là thật.
Đối với ảnh RAW
Hãy đến với một trường hợp thử nghiệm khác có thể khiến nhiều người chụp ảnh quan tâm: điều gì xảy ra với các tập tin RAW khi tải lên ở tùy chọn “Chất lượng cao”?
Ảnh RAW vẫn bị nén lại và chuyển đổi thành tập tin ảnh dạng JPEG thông thường, đồng nghĩa với việc thông tin cảm biến ảnh sẽ bị mất. Do đó, PhoneArena khuyên người dùng không nên dùng tùy chọn “Chất lượng cao” đối với ảnh RAW.
Cùng xem qua sự khác biệt giữa ảnh RAW gốc và ảnh đã bị nén dưới đây. Kích thước ảnh vẫn được giữ nguyên, nhưng độ sắc nét tổng thể bị giảm mạnh, và màu sắc trở nên tối hơn.
Ảnh so sánh chụp dưới định dạng RAW Ảnh chụp màn hình
Kết luận
Nếu bạn thường dùng điện thoại để chụp ảnh, chế độ “Chất lượng cao” sẽ ổn vì ít có ai zoom ảnh đến tận 500% để so sánh sự khác biệt giữa ảnh gốc và ảnh bị nén; và sự khác biệt là không đáng để chê trách. Hầu hết smartphone hiện nay sở hữu camera cảm biến 12 MP hay 16 MP nên hạn chế của chế độ lưu trữ miễn phí trên Google Photos cũng chẳng tác động gì nhiều.
Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng smartphone Sony với cảm biến camera lớn hơn 20 MP, hoặc muốn sử dụng nền tảng này để lưu hình từ máy chụp ảnh, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi chọn “Chất lượng cao”. Thay vào đó, bạn nên chọn “Chất lượng gốc”. Điều này là bắt buộc trong trường hợp bạn muốn lưu ảnh dạng RAW.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.