Góp gió thành bão

04/08/2014 02:10 GMT+7

Thỏa thuận hợp tác tiền tệ vừa được ký kết giữa Ấn Độ và Nga không chỉ đơn thuần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư mà còn có ý nghĩa chính trị lẫn tác dụng thực tiễn sâu rộng.

Một trong những nội dung quan trọng nhất của thỏa thuận là dùng đồng bản tệ để thanh toán. Có nghĩa là không sử dụng ngoại tệ nào làm cơ sở tính toán và phương tiện thanh toán trung gian.

Mọi thỏa thuận giữa các quốc gia về hợp tác tiền tệ còn có mục tiêu giảm lệ thuộc vào đồng tiền khác để giảm rủi ro về kinh tế, tài chính cũng như chính trị từ sự lệ thuộc đó. Cụ thể ở đây là giảm vai trò của đồng USD. Đồng tiền này hiện được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới trong thanh toán và dự trữ ngoại tệ của các quốc gia. Nhưng đây là đồng tiền của Mỹ nên nước này có thể dễ dàng sử dụng nó để đạt mục đích cả trên những lĩnh vực khác trong quan hệ quốc tế. Cái lợi đối với Nga và Ấn Độ vì thế không chỉ bó hẹp trong tạo thuận lợi và giảm chi phí khi trao đổi hàng hóa và thanh toán.

Lâu nay, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận như thế với nhiều đối tác trên thế giới. Nhóm BRICS bao gồm Ấn, Nga, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi cũng thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác tiền tệ nội nhóm theo hướng như trên. Việc thay thế vai trò chủ đạo của đồng USD trên thế giới không phải dễ dàng nhưng là vai trò ấy đang ngày càng giảm và thách thức nhiều hơn. Các đối tác đang dùng những thỏa thuận song phương hay nội khối về tiền tệ để rồi đây ngang ngửa với đồng USD.

La Phù

 >> Ấn Độ - Nga đẩy mạnh hợp tác quân sự
 >> Ấn Độ, Nga tăng cường vũ trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.