Góp vốn làm mất 800 tỉ đồng, bị cáo Đinh La Thăng cho là đúng !

Vũ Hân
Vũ Hân
20/03/2018 08:00 GMT+7

Hôm qua 19.3, trong ngày đầu tiên xét xử bị cáo Đinh La Thăng và 6 đồng phạm là nguyên lãnh đạo Tập đoàn dầu khí VN (PVN) trong vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Đinh La Thăng nói đã làm đúng các quy định của pháp luật và việc đầu tư 800 tỉ đồng vào OceanBank là đúng đắn!

Bị cáo Đinh La Thăng được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT (sau này là HĐTV) PVN từ tháng 2.2006 đến hết tháng 7.2011. Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo thừa nhận đã ký thỏa thuận góp vốn vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) và nhận trách nhiệm người đứng đầu về quyết định này. Tuy nhiên, bị cáo không thừa nhận các cáo buộc quan trọng trong cáo trạng liên quan đến tội danh của mình.
Góp 800 tỉ đồng là đúng vì được chia cổ tức
Lý giải về việc ký với Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank, thỏa thuận 6934 (ngày 18.9.2008) mà không thông qua HĐQT, bị cáo Đinh La Thăng cho biết pháp luật không quy định điều này, và các thành viên HĐQT PVN lúc đó đều biết chủ trương góp vốn vào ngân hàng của PVN để giải quyết hậu quả của việc không thành lập được Ngân hàng Hồng Việt (bao gồm con người đã tuyển dụng, bộ máy, tiền đầu tư phần mềm...). Bị cáo phủ nhận thỏa thuận này là tiền đề cho việc góp vốn về sau, vì nếu các thành viên HĐQT không đồng ý, thống nhất trước khi ra nghị quyết về việc góp vốn, thỏa thuận này hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
Về việc khi vẫn góp vốn vào OceanBank, ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, đã 2 lần có báo cáo đánh giá năng lực yếu của ngân hàng này, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, báo cáo của ông Sự vẫn “chốt” lại OceanBank có chất lượng tín dụng trung bình khá. “OceanBank có quy mô vốn thấp, khả năng thanh khoản có hạn nên họ mới có nhu cầu tăng vốn, và như vậy PVN mới có điều kiện góp vốn vào. Khi tăng vốn thì năng lực OceanBank sẽ tăng và khả năng thanh khoản sẽ tăng”, bị cáo Thăng nói và ví von việc lựa chọn hợp tác với OceanBank “giống như PVN gả một cô gái đã có chồng, nên tiêu chuẩn gả phải khác”. Để có sự hợp tác của PVN, OceanBank phải nhận mấy chục người, đều là lãnh đạo như bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (lúc đó nguyên là Trưởng ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt) và một số người khác, khoản tiền đầu tư vào cơ sở vật chất..., mà các ngân hàng khác như BIDV hay Vietcombank sẽ không chấp nhận. Bị cáo còn cho rằng, quyết định đầu tư này là hoàn toàn chính xác, vì năm 2009 PVN được chia cổ tức hơn 10% và năm 2010 được chia cổ tức 16%. Việc OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng xảy ra vào năm 2015, khi bị cáo đã chuyển công tác.
Trả lời việc Nghị quyết 7289 của HĐQT PVN được ký trước khi báo cáo Thủ tướng, bị cáo Thăng cho biết không có một văn bản pháp luật nào quy định nghị quyết phải ký trước hay sau khi báo cáo Thủ tướng, mà chỉ yêu cầu trước khi đầu tư phải báo cáo. Bị cáo cho rằng Nghị quyết 7289 chỉ thống nhất về chủ trương về góp vốn, còn sau khi Thủ tướng có ý kiến chấp thuận vào tháng 10.2008, PVN mới thực hiện việc chuyển tiền.
Bị cáo không biết việc góp vốn lần ba ?
Liên quan đến việc góp vốn lần thứ ba vào tháng 5.2011, bị cáo Đinh La Thăng cho biết do phải đi công tác nên đã ủy quyền điều hành cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, nguyên thành viên HĐTV PVN, và bị cáo Thắng đã ký nghị quyết chấp thuận PVN góp vốn bổ sung 100 tỉ đồng vào OceanBank, duy trì tỷ lệ góp vốn 20%. Theo cáo trạng, tại lần góp vốn này, PVN đã vi phạm luật Các tổ chức tín dụng 2010 (có hiệu lực từ 1.1.2011) quy định các cổ đông là tổ chức chỉ được sở hữu không quá 15% vốn của một tổ chức tín dụng. Bị cáo Thăng khai trước tòa không biết về Nghị quyết số 4266 này.
HĐXX cho đối chất với bị cáo Nguyễn Xuân Thắng. Bị cáo Thắng khai sau khi bị cáo Thăng đi công tác về có báo cáo việc góp vốn lần ba. Đối chất với thư ký HĐTV cũng cho thấy nghị quyết đã được trình báo cáo ông Thăng. Lúc này, bị cáo Thăng cho rằng tổ thư ký báo cáo nhiều văn bản, lại vào thời điểm bị cáo chuẩn bị chuyển công tác sang Bộ GTVT nên đã không đọc hết mọi tài liệu gửi về?!
“Bị cáo báo cáo Bộ Công thương là không có khoản góp vốn để đầu tư vào OceanBank. Nghị quyết của HĐTV phê duyệt các danh mục dự án, danh mục đầu tư năm 2011 không có khoản 100 tỉ góp vào OceanBank. Bị cáo không biết, chứ nếu biết đã có chỉ đạo dừng việc góp vốn này và đương nhiên, anh Thắng và những người khác không phải ra tòa”, bị cáo Thăng nói.
Về việc vẫn ký quyết định giao bà Vũ Thị Thanh Hương đại diện 20% vốn của PVN tại OceanBank vào năm 2011, bị cáo Thăng lý giải luật quy định các cổ đông là tổ chức không được góp vốn quá 15% vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc mua cổ phần, góp vốn hay thoái vốn của PVN tại OceanBank đều phải được sự đồng ý của Thủ tướng, trên cơ sở nghị định hướng dẫn của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Thời điểm đó chưa có hướng dẫn của Chính phủ cũng như của Ngân hàng Nhà nước, nên PVN vẫn sở hữu 20% vốn điều lệ của OceanBank và bị cáo giao đại diện vốn vẫn phải giao đại diện 20% chứ không thể là tỷ lệ nào khác.
“Thực tế, khi PVN đã tìm được đối tác để chuyển nhượng lại phần vốn này thì Thủ tướng không đồng ý, nên PVN cũng không thể thoái vốn được”, bị cáo Thăng trình bày.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về nhận định “đầu tư vào OceanBank là hoàn toàn đúng đắn”, “mang lại hiệu quả lớn” là ai nhận định hay của riêng bị cáo, bị cáo Đinh La Thăng nói: “Đại hội cổ đông OceanBank, HĐQT OceanBank, bị cáo và cả HĐQT PVN nhận định”.
Các thành viên HĐTV PVN đồng ý góp vốn vì không biết luật ?
Trả lời thẩm vấn tại tòa, các bị cáo Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV PVN, người trực tiếp ký nghị quyết góp vốn bổ sung 300 tỉ đồng giai đoạn 2 theo ủy quyền của bị cáo Đinh La Thăng và biểu quyết đồng ý để HĐTV ban hành nghị quyết góp vốn bổ sung 100 tỉ đồng giai đoạn 3, giúp sức cho các bị cáo khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN 400 tỉ đồng), bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm (đều là nguyên thành viên HĐTV PVN, biểu quyết đồng ý góp vốn lần ba) khẳng định đồng ý góp thêm 100 tỉ đồng vào OceanBank, duy trì tỷ lệ sở hữu 20% của PVN là do không biết quy định của luật Các tổ chức tín dụng 2010. Việc góp vốn có vi phạm nhưng không phải cố ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.