Hôm nay (2.5), tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế tư nhân đang diễn ra tại Hà Nội, Công ty Grab đã công bố một vài số liệu mới cho thị trường Việt Nam.
Cụ thể, tính đến nay, Grab đã đầu tư hơn 100 triệu USD cho thị trường Việt Nam. Hiện công ty này đã thu hút được hơn 190.000 đối tác tài xế trên toàn quốc.
Trong 5 năm qua, tổng quãng đường đã di chuyển của các chuyến xe Grab tại Việt Nam đạt hơn 2,4 tỉ km, góp phần quan trọng giúp Grab chính thức đạt cột mốc 3 tỉ chuyến xe trên toàn Đông Nam Á vào lúc 20 giờ 34 phút 32 giây ngày 20.1 (giờ Việt Nam).
Bên cạnh đó, hơn 35% tổng số giao dịch trên Grab là thanh toán không dùng tiền mặt; Số lượng đơn hàng GrabFood tăng 87 lần (tính tại thời điểm cuối tháng 3, so với cuối tháng 6.2018).
Đáng chú ý, tính toán của hãng gọi xe công nghệ này cho hay hiện có khoảng 1/4 người Việt Nam đang sử dụng dịch vụ của Grab. Để giữ vững ngôi vị người đứng đầu dẫn dắt thị trường, ông Anthony Tan, đồng sáng lập kiêm CEO Grab cho biết Grab dự kiến sẽ phát triển lớn gấp 4 lần so với đối thủ gần nhất của mình ở Indonesia và trên toàn khu vực vào cuối năm nay. Hãng cũng đã sẵn sàng để thực hiện ít nhất 6 khoản đầu tư hoặc mua lại trong năm 2019, đồng thời huy động được 6,5 tỉ USD tổng số vốn đầu tư vào cuối năm.
|
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định thời đại công nghệ phát triển, nhu cầu người dùng cũng cao hơn, đồng nghĩa dư địa phát triển của loại hình này còn rất lớn. Tuy nhiên đây không phải là miếng bánh "ngon ăn". Đối với thị trường gọi xe công nghệ, quan trọng nhất là có lực lượng tài xế đông đảo đủ để phục vụ người dùng ngay khi họ cần. Tâm lý của khách hàng rất đơn giản, chỉ cần đáp ứng được yêu cầu của họ thì họ sẽ lựa chọn. Chỉ cần 2 - 3 lần gọi xe không được, khách hàng sẽ nản, tạo ấn tượng không tốt và sẽ rất khó để quay lại sử dụng. Minh chứng rõ nhất là rất nhiều ứng dụng như VATO, ABER, GOFAST ra mắt rầm rộ, nhận được nhiều ủng hộ của người tiêu dùng khi đánh vào tâm lý người Việt ủng hộ hàng Việt nhưng cuối cùng cũng phải im hơi lặng tiếng vì không đủ lực lượng phục vụ khách hàng.
"Để đi đường dài, quan trọng nhất vẫn là tiềm lực vốn và chất lượng dịch vụ và với vị thế hiện tại, việc đánh bại được Grab tại thị trường Việt Nam không hề dễ dàng đối với bất cứ một đối thủ nào" - ông nói
Bình luận (0)