Báo Thanh Niên ngày 4.9.2012 đăng bài viết Bài học nửa vời trong đó tác giả nhận định SGK Tiếng Việt lớp 3, tập hai đã “thiếu công bằng, thiếu trung thực đối với lịch sử” khi không chỉ đích danh giặc Hán (Trung Quốc) là quân xâm lược trong bài tập đọc Hai Bà Trưng.
Trao đổi lại với Thanh Niên về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên cuốn sách nói trên cho biết:
Bài Hai Bà Trưng trong SGK Tiếng Việt lớp 3, tập hai là một truyện kể. Nó có tên các nhân vật lịch sử: bên ta là hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, bên địch là Tô Định - một viên thái thú có tên trong sử sách Việt Nam, Trung Hoa. Nhưng môn tiếng Việt không phải môn lịch sử. Mục tiêu chính của bài học tiếng Việt là rèn luyện các kỹ năng sử dụng tiếng Việt. Dĩ nhiên, phải tích hợp các nội dung khác đến mức có thể, nhưng tích hợp không phải là làm thay việc của môn khác, lớp khác. Không nhất thiết lúc nào truyện kể hay thơ dạy trong môn tiếng Việt cũng phải kể thật đủ tên giặc nọ giặc kia, nhất là đối với học sinh lớp 3 (8, 9 tuổi).
Các cháu còn nhỏ, đường học còn dài. Những bài học đầu tiên chỉ gieo những hạt đầu tiên. Điều chưa biết ở môn này, lớp này, đến môn khác, lớp khác sẽ được học. Ví dụ, về Hai Bà Trưng, chỉ sau 1 năm, SGK Lịch sử và Địa lý lớp 4 sẽ dạy các cháu đầy đủ hơn: “Đầu thế kỷ I, nước ta bị nhà Hán đô hộ. Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định nổi tiếng tham lam, tàn bạo”. Còn đối với những cháu phát triển sớm, không cần đợi đến lớp 4 thì thầy cô, cha mẹ, ông bà hoàn toàn có thể giải thích cho các cháu, thậm chí các cháu cũng có thể chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng hay trong sách vở về thời kỳ này.
Thời các con tôi học tiểu học vào những năm 80 của thế kỷ trước, SGK của các cháu vẫn trích 10 dòng thơ Đại Nam quốc sử diễn ca về Hai Bà Trưng làm bài tập đọc: “Bà Trưng quê ở Châu Phong/Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên/Chị em nặng một lời nguyền/Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân/Ngàn tây nổi áng phong trần/Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên/Hồng quần nhẹ bước chinh yên/Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành/Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh/Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”. Ai cũng biết sau 10 dòng này còn 10 dòng nữa, trong đó có những dòng chỉ đích danh nhà Hán: “Uy danh động tới Bắc phương/Hán sai Mã Viện lên đường tấn công” nhưng SGK không dạy, có lẽ vì bài đã dài mà ý cũng đã đủ.
Nói thêm về việc gọi tên các loại giặc phương Bắc (thời phong kiến nước này chưa có tên gọi là Trung Quốc), thì chỉ cần giở thêm 6 trang sau bài Hai Bà Trưng, là thấy bài chính tả Trần Bình Trọng với mở đầu: "Năm 1285, giặc Nguyên sang cướp nước ta". Đến trang 17, bài tập Lê Lai cứu chúa lại viết: "Giặc Minh xâm chiếm nước ta"...
Tuệ Nguyễn (ghi)
Bình luận (0)