Gùi điện thoại di động về núi

06/03/2014 15:05 GMT+7

Phiên chợ Mường Hum (Lào Cai) ngày đầu năm rét mướt, đường vào chợ là con suối nước ầm ào chảy, vậy mà những dòng người với phục trang sặc sỡ màu sắc vẫn háo hức đổ từ khắp các nẻo. Bên cạnh gùi hàng và những em bé trên lưng mẹ, hành trang của những chàng trai, cô gái đổ về chợ phiên giờ đây còn có cả những chiếc điện thoại di động đang bật nhạc rộn ràng...

Gùi điện thoại di động về núi 1
Liên lạc với bạn bè trong chợ phiên - Ảnh: Nguyễn Hùng

Có tiền là mua điện thoại ngay!

Gù Thị Xớ (17 tuổi, người Mông) vừa phụ mẹ ngồi bán những sợi chỉ màu sặc sỡ trong phiên chợ xuân, vừa cầm điện thoại màn hình cảm ứng lướt thành thạo mở nhạc, gọi điện cho bạn bè hẹn hò nhau sau khi bán xong hàng. "Có điện thoại này từ năm ngoái, nghe nhạc thích lắm!", Xớ nói bằng tiếng Việt không sõi lắm. Không chỉ riêng Xớ, xung quanh em, hầu hết các mẹ, các chị, các bạn trẻ đều mang theo điện thoại, sẵn sàng lấy ra, kéo danh bạ, bấm số thành thạo.

Gian hàng nhộn nhịp và đông đúc nhất của phiên chợ cũng chính là các điểm bán điện thoại di động. Kẻ đứng người ngồi, từ người Mông, người Dao đến Phù Lá, ai nấy cũng í ới, chen chúc vào để xem "cái phát ra tiếng nhạc với nói chuyện được". Các ứng dụng được quan tâm và hỏi han nhiều nhất là nghe nhạc, nghe radio, sau là đến bàn phím to dễ bấm, điện thoại có các chi tiết lạ lạ như que anten, màu sắc sặc sỡ...

Anh Vừ A Chính (30 tuổi) cùng vợ đã vượt hơn 20km đường núi đến đây chủ yếu để mua điện thoại, sau một lúc đắn đo, suy nghĩ, xem tới lui đủ loại điện thoại, anh quyết định: "Đi uống rượu trước rồi tí quay lại mua!" Khoảng 1 tiếng sau, anh quay lại thật, và lần này thì quyết định mua luôn một lần 3 cái điện thoại, mỗi cái khoảng 350.000 đồng, được khuyến mãi 2 cái thau, một túi bột giặt.

Gùi điện thoại di động về núi 1
Hai vợ chồng này vừa mua được 2 chiếc điện thoại Viettel và được khuyến mãi thêm một cái thau nhựa - Ảnh: Nguyễn Hùng

Gùi điện thoại di động về núi 1
Giới thiệu điện thoại tại nhà ở bản người Mông tại Suối Thầu, Sapa, Lào Cai - Ảnh: Nguyễn Hùng
Gùi điện thoại di động về núi 1
Những người phụ nữ Dao đỏ này rất thích thú trước các ứng dụng của điện thoại di động - Ảnh: Nguyễn Hùng

Hai vợ chồng tay xách nách mang hớn hở khiến nhiều người cũng đã bắt đầu quyết định mua tương tự, dù số tiền ban đầu mang đi dự định là sẽ mua thêm cái áo, đôi dép... Giàng A Tang (35 tuổi, cán bộ thôn) cho biết: "Ở đây nhiều người có điện thoại lắm, thanh niên, thiếu niên cũng có vì họ biết làm nương và có tiền rồi. Họ thích mua nhất là điện thoại, xe máy".

Không chỉ ở chợ phiên, ngay cả các bản làng sâu trong núi, việc sử dụng điện thoại di động cũng không còn quá xa lạ. Gia đình chị Gùi Thị Xía (25 tuổi) ở sâu trong Bản Khoan, xã Suối Thầu, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Đường lên bản chênh vênh trên đỉnh núi, chỉ có thể đi bộ và khi trời lạnh thì sương mù phủ khoảng 2 mét đã không nhìn thấy mặt nhau, nhưng chị và chồng đều có điện thoại. Thấy có khách đến, chị nói nhỏ nhẹ: "Chồng đang đi kiếm con trâu đi lạc ngoài núi rồi, để em gọi về gặp". Nhà bên cạnh, ngồi quây quần bên đống lửa trước nhà, ba người phụ nữ khác đang may vá trong bài hát tiếng Mường lạ lẫm được phát ra từ một chiếc điện thoại nhỏ, cái tĩnh lặng lạnh lẽo của vùng sơn cước vì thế mà cũng tan đi vài phần.

 

Gói cước Buôn Làng

Trước nhu cầu sử dụng điện thoại di động ngày càng lớn của bà con vùng cao, gói cước Buôn Làng đã được Viettel triển khai tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước, đạt 170.000 thuê bao, tăng trưởng liên tục 206% chỉ sau 6 tháng triển khai. Gói cước này bao gồm nhiều ưu đãi như cộng tiền vào tài khoản vào những tháng mùa khô và không có thu hoạch để giúp bà con vẫn duy trì sử dụng, đồng thời tặng bài hát, nhạc chuông tiếng dân tộc hàng tuần. Bên cạnh đó, tổng đài phổ biến kiến thức nông nghiệp, tin ngắn, chuyện kể, nhạc online tiếng dân tộc và giải đáp khách hàng miễn phí (3334) cũng rất được bà con yêu thích với 9 ngôn ngữ chính: Thái, Dao, Mông, Gia Rai, Tày Nùng, Ê Đê, Ba Na, Mường, Khơ me.

Vượt núi bán điện thoại

Quanh năm suốt tháng sống trên núi cao, mở mắt ra đã thấy đồi núi trập trùng, đường xá đi lại hiểm trở, việc vào phố thị mua điện thoại, mua sim, mua thẻ là một điều vô cùng xa lạ với người dân ở đây. "Cái khó ló cái khôn", hầu hết các cửa hàng điện thoại di động ở vùng cao cũng rất "di động". Hình thức phổ biến nhất là gian hàng di động bán vào các phiên chợ vùng cao. Các gian hàng này luôn được trang trí sinh động, bắt mắt và nhất là nhạc mở rộn ràng đúng với "gu" của người vùng cao.

Tháng 11, 12 là mùa thu hoạch nên một ngày chợ phiên có thể bán được 20 - 30 cái điện thoại. Tuy nhiên, anh Lê Huy Hùng (giám đốc Trung tâm Viettel ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cũng cho biết thêm: "Bán hàng ở phiên chợ cũng tùy vào mùa vụ của người dân, ví dụ đến mùa khô khoảng tháng 5, tháng 6 thì hầu như không ai mua vì ngay cả việc kiếm cái để ăn cũng đã rất khó khăn với họ rồi. Nhìn chung việc kinh doanh điện thoại ở vùng cao về lợi nhuận có thể không nhiều nhưng giá trị hỗ trợ về mặt nhu cầu thông tin, giải trí cho người dân vùng cao là rất lớn, nên anh em cũng có thêm động lực để trèo đèo lội suối mang điện thoại vào các thôn bản sâu".

Tuy nhiên, chợ phiên không phải lúc nào cũng có nên hình thức bán hàng tại nhà cũng được sử dụng triệt để tại các huyện xã vùng cao. 6 giờ sáng, nhiệt độ tụt xuống chỉ còn 4-5 độ, vậy mà Đỗ Thu Hà và Phí Thị Thắm (cùng 26 tuổi, Trung tâm Viettel huyện Sapa, Lào Cai) vẫn tay xách nách mang khoảng 30 chiếc điện thoại, hết đi xe khách lại đến đi bộ hơn 10 cây số len lỏi lên đỉnh núi ở Suối Thầu và "bám trụ" tại khu nhà dân tại đây từ 8 giờ sáng đến 6, 7 giờ tối, rồi lại đi bộ ngược xuống về nhà.

Trời mù sương nên gian hàng tại bản của hai cô gái bé nhỏ này cũng chìm khuất trong sương trắng xóa. Hôm nay hầu hết người trong làng đều đã đi dự đám cưới ở ngọn núi bên kia, không có mấy người ở nhà nên hai cô phải ở lại lâu hơn, chờ đến tối người dân về mới bán được. Tháng nào Hà và Dung cũng đều vượt núi băng rừng lên vùng cao này để bán hàng. "Mùa này chỉ lạnh thôi, đường còn dễ đi, mùa mưa thì kinh khủng hơn, đường lầy lội, mưa suốt ngày, không thể đi xe máy vì vực sâu không có thanh chắn, chúng tôi toàn đi bộ lên rồi đi bộ về thôi", Hà chia sẻ.

Là con gái ở thành phố Lào Cai, xa lạ với rừng núi và cả tiếng dân tộc, ban đầu mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0 với cả hai, nhưng dần dần, việc đi vào các bản làng đã không còn quá khó khăn. Hai cô đều đã quen với từng tập tục, thói quen, sở thích của người dân ở từng bản, Hà thậm chí còn có thể giao tiếp được chút ít tiếng Dao, tiếng Mường với bà con. "Mỗi khi trở lại bản, nghe có người khoe rằng nhờ có điện thoại, nghe đài chỉ cách trồng trọt mà bán được nhiều ngô sắn, thảo quả hơn, tôi cũng thấy vui hơn. Giờ thì ai ở bản gặp cũng biết chúng tôi, chào hỏi như người trong nhà vậy", Hà vui vẻ cho biết.

Với các mạng di động nói chung, việc phủ sóng vùng biên giới và hải đảo sẽ vô cùng tốn kém và đem lại hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, việc phủ sóng dịch vụ viễn thông đến các địa phương vùng biên như ở Lào Cai của Viettel phục vụ không chỉ phát triển kinh tế mà còn đáp ứng cả yêu cầu về an ninh, quốc phòng. Sóng điện thoại đến đâu là biên giới ở đó. Điện thoại như một đại lộ về thông tin, liên lạc nơi biên cương tổ quốc. Nhờ đó, bà con bám đất, bám rừng, phát triển kinh tế và cùng tham gia giữ gìn từng tấc đất cho Tổ quốc. Đây là mạng di động duy nhất phủ sóng 100% đồn biên phòng, trong khi kinh phí để đầu tư 1 trạm ở khu vực này thường cao hơn từ 1,5 - 3 lần so với các trạm thông thường.

Đoàn Bảo Châu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.