Gửi email xin thực tập khiến nhà tuyển dụng ‘sốc ngang’

14/08/2024 10:48 GMT+7

Một lãnh đạo công ty du lịch đã đăng tải email của một sinh viên đăng ký thực tập tại công ty. Tuy nhiên, email này khiến dân mạng 'choáng'.

Nhiều email "chưa chuẩn" của sinh viên

Đây là email của bạn Ng.T.X. gửi cho nhà tuyển dụng, với tựa đề là "Sinh thực tập sinh". Trong mail chỉ đính kèm một CV, không hề có một dòng chữ nào khác. Ở phần người nhận, bạn này gửi hẳn cho 4 công ty khác nhau.

Khi nhận được email chưa chuẩn này, vị lãnh đạo "sốc ngang". Vị này cho biết mục đích của ông khi đăng tải hình ảnh email này không phải là chế giễu bạn, mà muốn nhắc nhở chung cho các sinh viên đang có nhu cầu thực tập, những sinh viên mới ra trường có nhu cầu tìm việc.

Gửi email xin thực tập khiến nhà tuyển dụng ‘sốc ngang’- Ảnh 1.

Email xin thực tập của sinh viên khiến nhà tuyển dụng choáng váng

CHỤP MÀN HÌNH

Theo ông, email viết sai từ đầu: tiêu đề sai chính tả, gửi email cho nhiều bên, nội dung trống không khiến người nhận cảm thấy bất lịch sự. "Bạn này xin việc mà không thiện chí, không tôn trọng, không lịch sự và không hiểu việc mình làm. Đây là không hiểu vị trí bản thân và làm mất uy tín của ngôi trường mình đang học", ông chia sẻ.

Phía dưới phần bình luận, nhiều người cũng cho biết việc họ nhận email "chưa chuẩn" của ứng viên là… chuyện thường ngày: "Tôi từng nhận email không có gì ngoài cái file đành lặng lẽ bấm quay lại", "Tôi từng nhận nhiều email giống thế này. Tôi không phản hồi và thấy tiếc tại sao các bạn học 4 năm đại học mà lại viết một chiếc email không hoàn chỉnh"…

Bạn Nguyễn Hoàng Gia Hân (21 tuổi, ngụ ở đường Đặng Văn Bi, P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức), chia sẻ bạn cũng từng gặp trường hợp gửi CV đã lâu nhưng không thấy phía nhà tuyển dụng phản hồi. Sau vài tuần, Gia Hân đọc email cũ thì tá hoả khi phát hiện mình ghi sai tên công ty.

"Mình rải CV cho một lúc nhiều công ty khác nhau. Vô tình lúc bấm sao chép và dán, mình không đọc kỹ lại. Sau lần đó, mình kiểm tra và trau chuốt kỹ càng hơn cho từng email trước khi bấm gửi. Gửi email là bước đầu tiên để chinh phục nhà tuyển dụng nên chậm tí mà chắc hơn", Gia Hân nói.

Nhà tuyển dụng vẫn nhận, nhưng…

Thạc sĩ Lê Anh Tú, Giám đốc điều hành iGem Agency, cho biết nếu ông nhận được email này, ông sẽ xem xét thêm một số thứ trước khi gật đầu cho bạn ấy làm thực tập sinh tại công ty. Chẳng hạn như ứng viên đó có tới buổi phỏng vấn không, tác phong thế nào, có đáp ứng yêu cầu công việc… Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra cho bạn ấy lỗi sai khi gửi email vì "tuổi trẻ ai cũng có lần mắc lỗi".

Ông Tú tiết lộ ông từng nhận rất nhiều email của sinh viên chưa đúng chuẩn. Các bạn hồn nhiên gửi lung tung mà không chú ý đến câu chữ và chính tả khiến nhà tuyển dụng đau đầu.

"Tôi nghĩ, một phần nguyên nhân là do lớp học quá đông, dẫn tới việc thầy cô không thể theo sát và sửa lỗi kỹ càng cho từng bạn. Phần khác là các bạn trẻ không ý thức được tầm quan trọng của việc gửi email. Việc viết là chuyện khá dễ dàng nhưng nhiều bạn lơ là, dẫn tới việc gửi email chưa chuẩn lắm", ông nói.

Gửi email xin thực tập khiến nhà tuyển dụng ‘sốc ngang’- Ảnh 2.

Gửi email là bước đầu tiên giúp bạn trẻ ghi điểm với nhà tuyển dụng

PHƯƠNG VY

Gửi email xin thực tập khiến nhà tuyển dụng ‘sốc ngang’- Ảnh 3.

Bạn trẻ sẽ có cơ hội làm việc cùng với những người bạn dễ thương khác nhờ vào việc viết email xin thực tập đúng cách

PHƯƠNG VY

Theo ông các bạn dễ bị xao nhãng bởi mạng xã hội. Mỗi thứ bạn ấy chỉ biết một chút nhưng không tập trung quá sâu, chẳng hạn như biết viết nhưng lại viết sai chính tả. Đây là điều rất nguy hiểm khi bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Ông cho rằng khi gia nhập thị trường lao động, bạn trẻ cần làm đúng trước khi làm hay. Hãy chậm rãi và kỹ lưỡng, rà soát từng chút một. Nếu email xin việc có lỗi, điều đó có thể ảnh hưởng đến cơ hội phỏng vấn, đặc biệt là ở các công ty liên quan đến truyền thông, nơi yêu cầu sự chuẩn xác cao.

"Có nhiều tiết ở trường, câu lạc bộ dạy về cách viết email xin việc, viết CV, kỹ năng biên tập cơ bản… Tuy nhiên, nếu thực sự chú tâm, yêu thích viết lách và chú ý kỹ càng, bạn sẽ phát triển được thói quen tốt. Nếu các bạn đều có thói quen này từ khi còn là sinh viên, tôi tin các bạn sẽ đi xa hơn trong sự nghiệp", ông chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Golden Smile Corporation - Golden Smile Travel, cho biết dù email sai nhưng ông vẫn nhận nếu ứng viên đó có thiện chí liên hệ.

Ông cho rằng sinh viên viết email thôi chưa đủ. Bạn có thể gọi điện thoại liên hệ trực tiếp hoặc đến công ty nộp trực tiếp. Như vậy, nhà tuyển dụng sẽ lưu tâm đến hồ sơ của bạn hơn.

"Tôi nghĩ sinh viên nêu trên có thể khắc phục vài điểm để email xin thực tập của mình đẹp hơn. Chẳng hạn như tiêu đề thân thiện: "Xin hỗ trợ thực tập tại công ty XYZ", gửi email cho từng công ty, có thể gửi CC thêm cho phòng nhân sự của công ty chẳng hạn. Mở đầu nhớ ghi: kính gửi, tôi là, nêu tóm tắt tiểu sử và mong muốn, khả năng. Sau đó mới đính kèm CV của mình", ông nói.

Tại công ty ông Phương, thực tập sinh và nhân viên sẽ được đào tạo thêm về cách viết email, soạn văn bản sao cho đúng chuẩn để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Bên cạnh việc viết email, ông cũng lưu ý các bạn trẻ khi muốn xin việc cần có thái độ chuẩn mực, chuyên cần, tiếp thu, lắng nghe và chịu khó làm các việc theo yêu cầu. Bạn nên xây dựng mối quan hệ tốt, thân thiện với mọi người, kể cả bảo vệ, tạp vụ.

Bạn cần có tác phong ăn mặc chỉnh tề, lịch sự. Về chuyên môn, bạn trẻ cần học hỏi liên tục để hiểu, bỏ cái tôi xuống để tiếp thu cái mới, không nên so sánh ở trường thế này, công ty thế nọ.

"Tôi cho rằng thực tập là thời gian được nhiều hơn mất. Lý do vì bạn học mà không phải trả tiền, có người cầm tay chỉ việc, sai mà không phải đền. Bạn sẽ có nhiều cơ hội chọn lựa và nhìn được tổng quan của ngành, chưa kể có cơ hội tiếp cận môi trường thực tế. Vì thế, các bạn cần nên trân trọng khoảng thời gian này, bắt đầu từ việc viết email xin việc chuẩn trước đã", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.