Hà Nội bấn loạn vì “đại hồng thủy”

02/11/2008 00:50 GMT+7

* Hà Nội đã có 11 người thiệt mạng do mưa lũ và sét đánh Cơn mưa lớn nhất trong lịch sử hàng chục năm trở lại đây đã thực sự trở thành cơn ác mộng của hàng trăm nghìn người dân TP Hà Nội. Giao thông tê liệt, giá cả thực phẩm leo thang và khan hiếm, hàng chục người chết và bị thương…

Tính đến 11 giờ trưa ngày hôm qua (1.11), sau gần hai đêm và một ngày mưa liên tục, nhiều đường phố, khu vực trong TP Hà Nội vẫn tiếp tục ngập trong biển nước. Tại khu tập thể Thành Công, khu nhà G19 đến G20, hầu hết các hộ tầng 1 đều bị nước tràn vào nhà, có nơi trên 1m. Không có chỗ để ngủ và sợ mất an toàn nhiều nhà đã phải “sơ tán” qua nhà hàng xóm ở tầng cao hơn để ngủ nhờ. Tại các khu nhà H, các hộ tầng 1 nước ngập lênh láng, điện bị cúp trong hai ngày qua. Anh Hoàng Minh Quân ở nhà H2 than thở: “Cứ như cảnh thời chiến tranh, suốt đêm qua vợ chồng tôi không dám ngủ, con còn bé nhỡ có việc gì thì còn sẵn sàng bế bồng nhau liệu đường mà chạy”.

 
Một người đàn ông có "sáng kiến" ghép bè đưa vợ con đi tránh nước - Ảnh: Trường Sơn

Cảnh ngập lũ không chỉ xảy ra tại các khu chung cư cũ mà tại cả các khu chung cư mới xây, chung cư cao cấp. Tại các khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Văn Quán, Mỹ Đình... nhiều khu nhà đã trở thành ốc đảo khi đường giao thông trong khu đô thị đã bị ngập. Muốn đi ra ngoài thì kẹt đường mà ở lại thì lương thực thực phẩm đã hết. Tại nhà C6 - khu đô thị Mỹ Đình, tầng hầm gửi xe đã trở thành hầm nước, hàng chục hộ gia đình có xe ô tô ở đây đang lo cho những chiếc xe bạc tỉ của mình vì “chỉ thấy nước chứ không thấy xe đâu cả”. Cũng tại bãi gửi xe siêu thị Big C, hàng chục xe ô tô đắt tiền đang dầm trong nước.

Hàng chục người chết vì mưa lớn

* Theo báo cáo nhanh của các quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến sáng 1.11 đã có 11 người thiệt mạng do mưa lũ và sét đánh. Trong đó, ngày hôm qua có 3 trường hợp bị thiệt mạng. Một trường hợp là hai người đàn ông chết trong xe ô tô biển kiểm soát 80B-1601. Trường hợp thứ hai là cháu Trần Vân Anh, học sinh lớp 7A trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) trên đường đi học đã lọt xuống cửa cống thoát nước đường Hồ Đắc Di - Đặng Văn Ngữ. Đây là học sinh thứ 3 của Hà Nội bị chết và mất tích do mưa lớn kéo dài. Trước đó, hai em Phạm Văn Hai và Nguyễn Kim Mạnh, 8 tuổi, là học sinh trường THCS Mê Linh, cùng trú tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh trên đường đi học về đã bị nước cuốn trôi và chết đuối.

* Tại tỉnh Hòa Bình, mưa lũ đã làm cháu Đỗ Thị Phượng sinh năm 1995 (xã Ta Lý) và ông Đinh Văn Ba (xã Suối Nách) đều thuộc H.Đà Bắc bị chết. Tại H.Kim Bôi, 1 người chưa rõ danh tính, bị nước cuốn trôi hiện vẫn chưa tìm thấy. Mưa lũ cũng đã làm ngập 187 căn nhà và 2.000 ha hoa màu, sập 4 cây cầu, vỡ 7 đập… Tại Phú Thọ, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, hiện đã có 1 người chết, nạn nhân là anh Nguyễn Văn Trương, sinh năm 1984 (xã Yến Mao, H.Thanh Thủy). 

Thái Sơn - Quang Duẩn

Ngoài phố, nhiều người dân cũng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Dọc đường Láng Hạ, Thái Hà xe ô tô chết máy đậu thành dãy, nhiều người sợ để xe ngoài đường không an toàn nên phải thuê cửu vạn đẩy bộ về nhà. Dịch vụ lau thổi bugi xe máy cũng hốt bạc. Anh Hiệu, chủ tiệm sửa chữa xe máy ở Giảng Võ phấn khởi khoe: “Chỉ một chiếc cơ-lê và tua-vít, trong ngày hôm qua bố con tôi đã kiếm gần triệu bạc”.

4 - 5 ngày nữa, Hà Nội mới hết ngập

Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Phó trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH Nhà nước một thành viên thoát nước Hà Nội cho biết: “Nước sông Nhuệ đang lên cao, cửa đập Thanh Liệt vẫn phải đóng. Phương án thoát nước cho Hà Nội bằng việc mở cửa đập Thanh Liệt đưa nước xuống sông Nhuệ hiện nay đang bị phá sản. Mực nước tại các sông, mương, hồ đều ở mức rất cao, không còn khả năng điều hòa nên việc thoát nước trên địa bàn Hà Nội phụ thuộc hoàn toàn vào trạm bơm Yên Sở”.

Tuy nhiên, tối 31.10, nước trên kênh dẫn vào trạm bơm đã đạt cao độ 5.40 tương đương với độ cao của sàn máy bơm. Để đảm bảo an toàn cho các tổ bơm, đơn vị vận hành đã đắp đập quây, ngăn không cho nước tràn vào trạm bơm, nhà điện và cảnh giới để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Mặc dù sau đó, mực nước tại kênh đã lên tới 5.6 nhưng nhờ được bảo vệ tốt nên đến ngày 1.11 tổ máy vẫn đang hoạt động hết công suất, đưa nước ra sông Hồng. Do lượng mưa lớn, với công suất hiện có của trạm bơm Yên Sở, nếu trời không mưa, dự kiến từ 4 - 5 ngày nữa, úng ngập trên thành phố mới hết.

Theo ghi nhận của PV, tính đến chiều hôm qua, mực nước tại nhiều điểm thuộc các khu phố cổ, phố cũ đã bắt đầu rút nhưng rất chậm. Tại các khu vực phía tây, phía nam TP, nước vẫn còn ngập úng nặng nề. Trong chiều hôm qua, lực lượng CSGT đã tổ chức việc ngừng xe lưu thông vào thành phố từ quốc lộ 1A hướng Pháp Vân - Cầu Dẽ. Phòng CSGT Hà Nội cho biết, do đường quốc lộ trên khu vực này có nhiều điểm bị ngập trên 1m, nhiều xe ô tô bị chết máy, nếu tiếp tục lưu thông sẽ bị ách tắc toàn bộ.

Ông Vũ Đình Rậu - Trưởng ga Hà Nội cho biết, do đoạn đường sắt tại khu vực ga Giáp Bát bị ngập nặng, trong đó có những điểm ngập sâu đến 50 cm - 60 cm nên hoạt động chạy tàu từ ga Hà Nội vào các tỉnh phía Nam hoàn toàn bị đình trệ. Trong sáng nay tất cả các đoàn tàu từ ga Sài Gòn ra Hà Nội đều phải dừng lại ở ga Phú Xuyên, Văn Điển. Sau đó, ga Hà Nội đã huy động ô tô để chuyển hành khách từ các ga trên về Hà Nội bằng đường bộ. Ngoài ra, trong chiều qua (1.11), nhà ga cũng đã phối hợp với Tổng công ty vận tải Hà Nội bố trí 29 ô tô để trung chuyển hành khách đi trên 5 chuyến tàu Thống Nhất và 1 chuyến tàu vào Nghệ An dự định xuất phát tại ga Hà Nội xuống đi tàu tại ga Văn Điển.  

Đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ

Ngoài việc đi lại, chuyện ăn trong ngày mưa đã trở thành nỗi nhọc nhằn lớn nhất của nhiều người dân Hà thành trong hai ngày qua. Mưa gió nên các quán ăn nhà hàng đóng cửa; tại các khu chợ Thành Công, Dịch Vọng Hậu, Nghĩa Tân... vật giá leo thang không tưởng tượng nổi. Chị Hoàng Vân, nhà khu H6 Thành Công than thở: “Bì bõm mãi mới ra được đến chợ nhưng thấy giá là muốn xỉu rồi. Chợ ngày thường chỉ có hai nghìn đồng là có một mớ rau muống ngon, ngày hôm kia vọt lên 10.000 đồng một mớ, giờ đã là 20.000 đồng; su hào 10.000 đồng một củ con con. Vậy mà cũng không còn để mà mua”.

“Nước ngập đến chân mới chạy” đang là tâm trạng của nhiều bà nội trợ Hà thành hiện nay. Đối với nhiều hộ gia đình, việc ăn uống lâu nay chỉ dựa vào việc “ăn bữa nào thì đi chợ bữa ấy”, không ai nghĩ đến việc mua lương thực dự trữ. Hết đồ tươi, đồ khô tại các khu siêu thị trở nên đắt khách. Chiều qua 1.11, tại các siêu thị, ngay sau khi trời mưa dứt, rất nhiều người dân đã đổ xô đến mua hàng. Tại siêu thị Fivimart Đại La, không chỉ có mặt hàng rau quả, thực phẩm tươi sống “cháy hàng”, mặt hàng khô, đông lạnh... đều bán chạy. Thậm chí, kệ giấy vệ sinh cũng sạch trơn. Mì gói đã trở thành mặt hàng bán chạy nhất. Theo ghi nhận của PV, trong ngày hôm qua, khách vào các siêu thị chủ yếu là mua mì gói và các loại đồ ăn khô như bánh, trái.

Bà Vũ Huyền Nhung, Phụ trách kinh doanh siêu thị Fivimart Đại La cho hay, siêu thị đã huy động tổng lực nhân viên siêu thị làm việc hết công suất từ sáng đến chiều. Nhiều bộ phận phải làm tăng ca thay cho những nhân viên do bị đường ngập không đi làm được. Các xe chở hàng chạy liên tục để kịp thời cung cấp hàng hóa. Bà Nhung cho biết, tổng công ty có kho hàng dự trữ nên ngoại trừ rau xanh ra, các mặt hàng khác đều cung cấp đủ không bị gián đoạn nguồn cung. Còn ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Hapro cho biết, giá tại hệ thống siêu thị Hapro vẫn giữ ổn định, không tăng giá. Hapro sẽ cố gắng cung cấp ổn định 3 mặt hàng thiết yếu: gạo, thịt, rau xanh.

Trong khi tại các chợ và siêu thị người dân tranh nhau mua hàng, thì siêu thị Big C – nơi thường có lượng khách hàng đông nhất lại rơi vào tình cảnh tê liệt do nằm trong khu vực ngập nước sâu. Khách hàng không đến mua, nhân viên không đi làm được nên doanh số bán ra sụt giảm 75% so với ngày thường.

Cũng trong ngày hôm qua, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cùng với các ban, ngành thành phố đã đi thị sát tình hình kinh doanh, phục vụ dân sinh tại các chợ lớn như: chợ Mơ, chợ Hôm... Theo ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), khan hiếm nhất là mặt hàng thực phẩm tươi sống và rau xanh. Do các ruộng rau ở ngoại thành đều bị ngập trong biển nước nên giá rau xanh đã đội lên gấp 3-4 lần ngày thường. Cũng vì giao thông ách tắc, mặt hàng thực phẩm tươi sống gia súc, gia cầm, thủy hải sản không thể vận chuyển vào thành phố nên giá thực phẩm gia súc, gia cầm tăng 10-25%. Sở Thương mại đã tham mưu cho thành phố chỉ đạo ngành công an và công thương cho xe trọng tải lớn 1,5 tấn được đi trong thành phố ban ngày để cung cấp thực phẩm thiết yếu trong ngày mưa bão.

Thu Hằng

 Thái Sơn - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.