Hà Nội cạn quỹ tên đường

09/11/2015 06:04 GMT+7

Theo các nhà khoa học tại Hội nghị về đặt tên đường phố Hà Nội cuối tuần qua, thủ đô Hà Nội đang cần một lượng tên đường khổng lồ nhưng quỹ tên lại rất thiếu.

Theo các nhà khoa học tại Hội nghị về đặt tên đường phố Hà Nội cuối tuần qua, thủ đô Hà Nội đang cần một lượng tên đường khổng lồ nhưng quỹ tên lại rất thiếu.

Yec Xanh - đường phố hiếm hoi ở Hà Nội mang tên nhân vật quốc tế - Ảnh: Minh DũngYec Xanh - đường phố hiếm hoi ở Hà Nội mang tên nhân vật quốc tế - Ảnh: Minh Dũng
PGS-TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cười khi được hỏi đến tên đường “Ướp lạnh” được người dân đặt cho một đoạn phố ngắn - nơi từng có một nhà máy ướp lạnh thực phẩm tại Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội. Biển tên này vừa được dỡ xuống trong tháng 9 vừa qua. “Nó là cái tên dân gian, kiểu như phố Lò Đúc”, ông nói.
Ở Hà Nội, việc đặt tên cho một con đường vô cùng nghiêm ngặt. Bộ hồ sơ tên đường phải đạt được sự đồng thuận của cả hội đồng khoa học đặt tên đường phố, của người dân sở tại và của UBND thành phố. Một quy trình mà theo ông Quân là khó nhất nước. Việc đặt tên còn gặp khó khăn ở chỗ hiện thành phố cũng đang có xu hướng giảm dần các tên phố gắn với danh nhân, tăng dần các tên phố gắn với địa danh.
Sở VH-TT Hà Nội cho biết hiện tại tên danh nhân chỉ chiếm 10% trong các lần trình tên phố mới. “Tôi nghĩ điều đó rất hợp lý. Nó cũng tránh được tranh cãi khi xem xét các nhân vật cận đại, chưa có nhiều độ lùi của lịch sử”, PGS-TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, nói.
Biểu hiện cho việc thiếu quỹ tên đường có thể thấy rõ ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Theo đại diện của quận, quỹ tên danh nhân đã có nhưng cũng cạn. Có hiện tượng nhân dân tự đặt tên đường, trong đó có những con đường mang cái tên khó hiểu như SP1, SP2, LS3. “Chúng tôi đề nghị có chế tài với tổ chức, cá nhân tự ý đặt tên đường, tên phố”, vị đại diện này cho biết.
Cần cởi mở hơn
Hiện tại quỹ tên đường của Hà Nội đang được xây dựng theo hướng mở. Theo đó, các tên được đưa vào phải có đủ tầm vóc, gắn liền với văn hóa thủ đô, nếu là danh nhân thì phải là người sinh trưởng tại địa phương, hoặc là người có công lớn với đất nước. Tuy nhiên, quỹ đang gặp nhiều khó khăn, lớn nhất là do tầm dự báo ngắn ngủi. “Chúng ta làm ra ngân hàng tên nhưng phải đặt nó bên cạnh công tác quy hoạch thành phố”, ông Quân nói. Có nghĩa là, đường quan trọng hơn thì được đặt tên danh nhân quan trọng, lớn lao hơn.
Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, các địa danh cũ đã được đưa nhiều hơn vào quy hoạch tên đường phố, như có phố mang tên Trích Sài - tên một đình cổ cũng là tên làng cổ. Tuy nhiên, các tên này cũng chưa đủ cho nhu cầu. Chính vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng nên bổ sung thêm cả những sản vật địa phương vào quỹ tên phố, như Cốm làng Vòng chẳng hạn. Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, thủ đô hoàn toàn có thể có tên đường Trường Sa, Hoàng Sa - những cái tên gắn liền với đất đai, máu thịt của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, theo PGS-TS Nhật, quỹ tên đường cũng có thể mở rộng hơn nhờ việc mở rộng quy chế đặt tên danh nhân cho đường. “Tôi nghĩ cũng đến lúc cần vinh danh những nhà kinh tế có công, chẳng hạn Bạch Thái Bưởi hay Trịnh Văn Bô”, ông Nhật nói. GS Phan Huy Lê cho rằng một số nhân vật lịch sử đã được nhìn nhận một cách toàn diện, cởi mở hơn như chúa Trịnh, chúa Nguyễn thì họ cũng cần có tên đường. Theo GS Phan Huy Lê, Hà Nội cũng nên có tên các nhân vật quốc tế. “Hiện chúng ta mới chỉ có phố Yec Xanh, vườn hoa Louis Pasteur. Trong khi đó, còn rất nhiều người khác đã đến đóng góp cho mảnh đất này, chẳng hạn như người đã thiết kế cầu Long Biên...”.
“Chữa cháy” tên đường cho TP.HCM
Từ năm 1995, TP.HCM đã thành lập hội đồng đặt đổi tên đường với nhiệm vụ đặt tên cho những con đường mới mở, chỉnh sửa những đường trùng tên hoặc đã có tên nhưng tên đường không có ý nghĩa...
Thế nhưng trong hơn 3.000 tuyến đường TP hiện nay có khoảng 60% chưa được đặt tên. Để “chữa cháy” cho tình trạng này, mỗi quận, huyện lại đặt tên đường theo mỗi kiểu càng khiến cho tên đường trên địa bàn thành phố thêm rối rắm.
Một số tên đường kỳ dị tại TP.HCM - Ảnh: Tân Phú
                       Một số tên đường kỳ dị tại TP.HCM - Ảnh: Tân Phú
Qua thống kê sơ bộ, ở các quận, huyện có khoảng 100 đường có tên gọi trùng nhau, như đường Cao Thắng có tại Q.3 và Q.Phú Nhuận; đường Quang Trung có tại Q.9, Q.Gò Vấp và H.Hóc Môn, H.Củ Chi; đường Lê Lợi có tại 5 quận: 1, 9, Tân Bình, Gò Vấp và Thủ Đức...
Công tác đặt tên đường được thực hiện khá nhỏ giọt ở các khu đô thị mới. Khu đô thị mới An Phú - An Khánh (P.An Phú, Q.2) hình thành từ 10 năm nay nhưng cũng chỉ có vài tuyến được đặt tên, xen kẽ giữa các đường có tên này là các đường mang ký hiệu số từ 1 - 31 và ký hiệu chữ A, B, C, D, E. Tại Q.12, các tên đường còn ghi tắt XTT 8 - 7A, HT, TA, TMT 01, TMT 02 hay TMT 2A, TMT 14A... khiến nhiều người không biết đâu mà lần.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, thừa nhận công tác đặt đổi tên đường vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.
Theo quy định, muốn đặt đổi tên đường thì quận, huyện đề nghị UBND TP trình HĐND TP thẩm định, thông qua. Tuy nhiên trong năm 2015, dường như công tác này chưa được triển khai trên thực tế.
Ông Hà cho biết: “Một số tên đường người dân quen gọi, sau đó đường được mở rộng và hình thành khu dân cư bài bản nhưng vẫn mang tên cũ như “Tên Lửa”, “Kinh Nước Đen”.
Có nơi còn gắn bảng tên đường là “Cựu Chiến Binh Không Rác” gây phản cảm. UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, Sở GTVT, Sở VH-TT rà soát, chấn chỉnh nhằm đảm bảo yếu tố văn hóa, mỹ quan đô thị”.
Tân Phú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.