Hà Nội chưa kiểm soát được tình trạng 'thổi giá' đất

25/09/2024 13:59 GMT+7

Sở TN-MT Hà Nội cho biết, hiện chưa kiểm soát triệt để được tình trạng trả giá cao hơn thị trường rồi bỏ cọc để 'làm giá, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường'.

Giám đốc Sở TN-MT Lê Thanh Nam đã có báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội về việc rà soát quy trình, thủ tục, quy chế… về đấu giá quyền sử dụng đất của các quận, huyện, thị xã.

Hà Nội chưa kiểm soát được tình trạng 'thổi giá' đất - Ảnh 1.

Khu đất có 19 lô ở H.Hoài Đức được đấu giá vào ngày 19.8, trong đó có lô trúng giá 133 triệu đồng/m2

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Báo cáo về tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác đấu giá đất, ông Nam cho biết hiện thành phố đang áp dụng bảng giá đất theo Quyết định số 30 ngày 31.12.2019 do UBND TP.Hà Nội ban hành (áp dụng từ ngày 1.1.2020 - 31.12.2024); Quyết định số 20 sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Quyết định số 30.

Việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất trước khi luật Đất đai 2024 ra đời được căn cứ theo khung giá đất của Chính phủ quy định. Điều này dẫn đến có sự chênh lệch giữa giá đất do UBND TP.Hà Nội quy định và giá đất giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường.

Theo quy định của luật Đất đai 2024, việc điều chỉnh bảng giá đất được thực hiện theo Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27.6.2024 của Chính phủ. Hiện tại, Sở TN-MT đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất. Do đó, chưa thể cập nhật ngay bảng giá đất sát với giá đất thực tế trên thị trường.

Đặc biệt, theo ông Nam, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng người tham gia đấu giá không có nhu cầu để ở, đấu giá nhằm mục đích kinh doanh "đầu cơ". Đồng thời tình trạng trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá sau đó không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ tiền đặt cọc), nhằm mục đích "làm giá", "thổi giá" gây nhiễu loạn giá thị trường vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Đối với việc đấu giá đất để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, ông Nam cho biết còn tồn tại nhiều trường hợp trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở theo quy hoạch, bỏ đất hoang, gây khó khăn trong quản lý quy hoạch, mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực đất đai (không đưa đất vào sử dụng).

Khái quát về tình hình thực hiện công tác đấu giá đất, theo ông Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo quy định.

Kết quả tổng số tiền trúng đấu giá trong 6 tháng đạt khoảng 11.013 tỉ đồng, vượt so với cả năm 2023 khoảng 9.200 tỉ đồng. Trong đó đặc biệt có Q.Long Biên đã đạt gần 195 % kế hoạch (khoảng hơn 5.240 tỉ đồng), H.Mê Linh đã đạt 244% kế hoạch (khoảng hơn 1.320 tỉ đồng), H.Phú Xuyên đã đạt 104,19% kế hoạch (khoảng gần 180 tỉ đồng)…

Như Thanh Niên đã phản ánh, trước đó, chỉ trong 10 ngày, thị trường đất nền ở Hà Nội liên tiếp hứng 2 "đợt sóng" từ những buổi đấu giá do chính quyền tổ chức. Cụ thể, tại xã Thanh Cao (H.Thanh Oai), phiên đấu giá 68 lô đất vào ngày 10.8 có lô trúng giá cao nhất là hơn 100 triệu đồng/m2.

Đến ngày 19.8, phiên đấu giá 19 lô đất kéo dài xuyên đêm ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên (H.Hoài Đức) đã có lô đất rộng hơn 113 m2 trúng giá hơn 133 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.

Tính đến giữa tháng 9 vừa qua, chỉ có 13/68 lô đất tại xã Thanh Cao hoàn thành nghĩa vụ tài chính. 55 lô bị bỏ cọc, là những lô có giá trúng từ 80 triệu đồng/m2 đến hơn 100 triệu đồng/m2.

Theo lãnh đạo Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ TN-MT), 2 vụ đấu giá đất "tạo sóng" nêu trên đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản; giá trúng đấu giá quá cao so với giá khởi điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.