Hà Nội có phố hoa

30/12/2008 23:39 GMT+7

Tối nay (31.12), lần đầu tiên người dân thủ đô sẽ tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới bằng một lễ hội phố hoa...

Đà Lạt, Huế và TP.HCM, những nơi vốn đã quen thuộc với những festival tầm cỡ quốc tế thì lễ hội phố hoa dường như không phải là điều gì quá xa lạ. Tuy nhiên, với người dân Hà Nội thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, được chứng kiến, được chiêm ngưỡng, thưởng thức, được hít hà một con đường rực rỡ hàng ngàn chậu cây và hoa tươi.

Lễ hội hoa kéo dài từ đêm 31.12.2008 đến hết ngày 4.1.2009 với các tiểu cảnh: sắp đặt nón hoa, trình diễn bộ sưu tập áo dài, trình diễn rồng hoa (tạo hình con rồng cao 15m kết từ hoa tươi), phượng hoa, quạt hoa, đèn hoa, xe hoa, cổng hoa, phố gốm... phô bày nét đẹp tinh tế của người Hà Nội cùng các màn múa, hát, cờ, quạt rôm rả.

Và, điều đáng nói hơn cả, sáng kiến con đường hoa làm đẹp cho Hà Nội không khởi phát từ các cơ quan chức năng trong thành phố mà lại do một công ty tư nhân chủ động đề xuất. Thêm nữa, theo bà Thu Hường – đại diện Ban tổ chức, kinh phí gần 3 tỉ đồng để tổ chức lễ hội cũng không rót từ ngân sách nhà nước mà là sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân theo hình thức “xã hội hóa”. 
Từ hơn 1 tháng trước lễ khai mạc, hàng trăm nghệ nhân làng gốm Bát Tràng, làng Chàng Sơn, nghệ nhân làm hoa, làm quạt... đã phải gấp rút làm ngày làm đêm chuẩn bị “bếp núc” cho lễ hội hoa kịp tiến độ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết – nghệ nhân làm quạt, cho biết để có chiếc cổng chào “lập kỷ lục”, chị đã phải đan 1.000 chiếc quạt lá đến mức bật máu móng tay và chỉ nhận được thù lao 25 triệu đồng, nhưng chị vẫn vui vẻ. Ý tưởng cổng chào bằng những chiếc nan quạt của chị Tuyết cũng vừa được Cục Bản quyền văn học nghệ thuật (Bộ VH-TT-DL) chứng nhận bản quyền tác giả. Trong khi đó, từ sáng tinh mơ đến nửa đêm, hàng chục công nhân Công ty môi trường đô thị tỉ mẩn khiêng từng mẩu đất sét nhỏ để đắp thảm cỏ, lát đường hoa. Còn các nghệ nhân từ TP.HCM, Đà Lạt cũng đã lặn lội ra đất Bắc từ cả chục ngày trước đêm khai mạc...

Thế nhưng, từ ngày 28.12, nhân vật chính - hoa tươi, mới được chuyển đến. Nguyên do là trận mưa bão kinh hoàng đầu tháng 11.2008 đã tàn phá hầu hết các khu vườn hoa nổi tiếng ở Hà Nội. Vì vậy, trước tình trạng Hà Nội sạch bóng hoa tươi, Ban tổ chức lễ hội hoa đã không thể quảng bá cho sản phẩm “cây nhà lá vườn” mà đành “mượn tạm” hoa từ Đà Lạt, TP.HCM và thậm chí nhập từ nước ngoài về. “Và như vậy kinh phí gần 3 tỉ đồng xem ra vẫn là quá khó”, bà Thu Hường nói. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất có lẽ chưa phải là kinh phí mà là... ý thức của người thưởng hoa. Bởi lẽ câu chuyện “bẻ liễu vùi hoa” ở lễ hội hoa anh đào mới đây vẫn còn là một bài học đáng xấu hổ trong văn hóa ứng xử... 

Điều băn khoăn ở bữa tiệc hoa 2009 có lẽ là địa điểm – khu vực đường Đinh Tiên Hoàng, hồ Hoàn Kiếm, vườn hoa Lý Thái Tổ khá nhỏ bé với nhiều xe cộ, khói bụi... Theo lý giải của Ban tổ chức lễ hội hoa, khu vực này là trục trung tâm của Hà Nội. Tất nhiên, đây có thể là một trong những địa điểm “đắc địa” nhất Hà Nội. Song, năm 2008, diện tích Hà Nội đã được mở rộng gấp 3 lần so với trước đây. Vậy thì, ngoài hồ Hoàn Kiếm – “trái tim” của Hà Nội, vẫn còn hồ Tây và một phần diện tích rộng lớn ở khu Mỹ Đình đủ sức chứa cho hàng ngàn người muốn thưởng ngoạn.

Có lẽ cũng vì tâm lý "lập kỷ lục" nên dự kiến trong chương trình Lễ hội hoa 2009 sẽ có màn công bố các kỷ lục (mà gần đây đã bắt đầu trở nên nhàm chán vì lễ hội nào cũng phải có "kỷ lục" nào đó được xác lập) kiểu như Đôi rồng chầu lớn nhất Việt Nam, Chiếc cổng hoa lớn nhất Việt Nam, Chiếc quạt lớn nhất Việt Nam, Phố gốm lớn nhất Việt Nam. Thêm một băn khoăn nữa là sau khi kết thúc lễ hội, tức là sau khi được ghi vào Guinness Việt Nam thì "những kỷ lục" phố hoa ấy sẽ được "tái sử dụng" ở đâu để tránh tình trạng lãng phí hoặc bỏ mặc "kỷ lục" cho mưa nắng dãi dầu. Bà Thu Hường cho biết Ban tổ chức cũng đang tính đến việc đưa các "kỷ lục" về trưng bày tại bảo tàng và trường học...

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.