Để học sinh, phụ huynh và các nhà trường ở Hà Nội sớm chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 từ năm học 2025 - 2026, Sở GD-ĐT công bố cấu trúc, định dạng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng đánh giá năng lực học sinh của các môn: ngữ văn, toán, ngoại ngữ; lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên; tin học; giáo dục công dân.
Xin xem toàn bộ đề minh họa của 7 môn thi TẠI ĐÂY
Trong số 7 môn thi, có 2 môn thi theo hình thức tự luận là ngữ văn và toán; 5 môn thi theo hình thức trắc nghiệm, gồm: ngoại ngữ; khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý; giáo dục công dân; tin học.
Môn ngữ văn thời gian làm bài 120 phút, gồm 2 phần đọc hiểu và viết; môn toán thời gian làm bài 120 phút, đề thi gồm 5 bài.
Các môn thi trắc nghiệm gồm 3 phần. Phần 1 gồm các câu hỏi dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án, chọn 1 đáp án đúng. Phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm đúng/sai; mỗi câu hỏi có 4 ý. Trong mỗi ý a), b), c), d) ở mỗi câu, thí sinh chọn đúng hoặc sai. Phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình.
Thời gian làm bài và số lượng câu hỏi của 5 môn thi trắc nghiệm như sau:
Cách tính điểm từng môn
Về cách tính điểm, Sở GD-ĐT Hà Nội quy định thang điểm 10 và tính điểm từng môn như sau:
Môn ngữ văn: phần đọc hiểu 4 điểm; phần viết 6 điểm.
Môn toán: phần tư duy và lập luận toán học (3 điểm); phần giải quyết vấn đề toán học (4,5 điểm); phần mô hình hóa toán học (2,5 điểm).
Với các môn thi trắc nghiệm: Trắc nghiệm dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (phần I), mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm. Ở dạng thức câu trắc nghiệm đúng/sai (phần II), điểm tối đa của 1 câu hỏi là 1,0 điểm, trong đó thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi được 0,1 điểm; thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; thí sinh lựa chọn chính xác 4 ý trong 1 câu hỏi được 1,0 điểm.
Dạng thức câu trắc nghiệm trả lời ngắn (phần III): mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm.
Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn nghiên cứu, áp dụng cấu trúc định dạng đề thi phù hợp theo từng môn học, lưu ý các dạng thức trắc nghiệm khách quan để học sinh lớp 9 trung học cơ sở được làm quen; tăng cường các dạng thức trắc nghiệm gồm: trắc nghiệm nhiều lựa chọn cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng; trắc nghiệm dạng đúng/sai (mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý lựa chọn đúng hoặc sai; trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khuyến khích các trường trên địa bàn xây dựng thư viện số về đề kiểm tra, khảo sát chia sẻ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để cùng trao đổi, học tập, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá, khảo sát.
Nghiên cứu, thực hiện việc sử dụng ngữ liệu trong đề kiểm tra, khảo sát đảm bảo đúng quy định. Đối với môn ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Năm học 2025 - 2026 là năm học đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ được thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc công bố định dạng đề thi nhằm giúp học sinh lớp 9 năm học 2024 - 2025 cũng như cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn thành phố có định hướng cụ thể để tổ chức dạy, học, ôn tập hiệu quả, chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
Bình luận (0)