UBND TP.Hà Nội vừa có công văn về việc cung cấp thông tin chấp hành các quy định về PCCC.
2.723 công trình vi phạm về PCCC được Hà Nội đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử |
đình huy |
Trước đó, hồi tháng 6.2022, UBND TP.Hà Nội ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động.
Trong kế hoạch này, Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, địa phương đăng tải công khai tên, địa chỉ, chủ đầu tư công trình vi phạm, chưa nghiệm thu về PCCC những đã đưa vào hoạt động trên cổng thông tin điện tử của Công an TP.Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã.
Ngoài ra, thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên phạm vi toàn quốc, sau khi rà soát, thành phố đã tiếp tục cập nhật và đăng tải công khai các công trình có vi phạm về PCCC lên cổng thông tin điện tử. Tính đến nay, Hà Nội đã đăng công báo 2.723 công trình vi phạm.
Thời gian tới, Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thường xuyên, kịp thời đăng tải thông tin liên quan đến các công trình vi phạm về PCCC lên cổng thông tin điện tử để các đơn vị chủ động khai thác và tra cứu thông tin.
Đối với lực lượng công an thành phố, cần định kỳ tổng hợp, đăng tải các công trình vi phạm về PCCC lên cổng thông tin điện tử, chủ động trao đổi thông tin đến các đơn vị để thực hiện theo quy định.
Theo thống kê, từ năm 2018 đến 2021, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 1.333 vụ cháy, trong đó 19 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng. Các vụ cháy trên địa bàn khiến 38 người chết, 82 người bị thương, thiệt hại khoảng 272 tỉ đồng. Riêng năm 2022, thành phố xảy ra 386 vụ cháy, làm 23 người chết, 17 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 19 tỉ đồng.
Trước thực trạng nêu trên, UBND TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch xử lý dứt điểm các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC.
Kế hoạch có 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (năm 2022), thành phố sẽ tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá các nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC. Tiếp đó, thành phố sẽ phân loại đối tượng điều chỉnh theo ngành, lĩnh vực… rồi yêu cầu 100% chủ đầu tư cam kết xây dựng kế hoạch, lộ trình, thời gian thực hiện.
Giai đoạn 2 (năm 2023), Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện; vận động, tuyên truyền, đôn đốc cơ sở thực hiện theo đúng kế hoạch, lộ trình đã cam kết và bảo đảm ít nhất 30% số cơ sở thuộc diện điều chỉnh hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Ở giai đoạn 3 (năm 2024), Hà Nội đặt mục tiêu ít nhất 70% số cơ sở thuộc diện điều chỉnh phải hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC.
Giai đoạn 4 (năm 2025), mục tiêu là 100% số cơ sở phải hoàn thành việc khắc phục tồn tại về PCCC và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…
Bình luận (0)