Hà Nội: Dân lén lút đốt rơm rạ, xã đau đầu, máy bay khó hạ cánh

27/09/2023 17:32 GMT+7

Nhiều vụ đốt rơm rạ, chiếu laser, thả đèn trời, drone (thiết bị bay không người lái)… vẫn diễn ra gần sân bay Nội Bài, uy hiếp an toàn hàng không, dù đã có rất nhiều cảnh báo.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, trong 9 tháng đầu năm đã ghi nhận 3 trường hợp đốt rơm rạ, 7 vụ chiếu đèn laser và 10 trường hợp thả diều, bóng bay, ảnh hưởng đến hoạt động cất, hạ cánh, uy hiếp an toàn bay của sân bay Nội Bài.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Văn Sang, Phó chủ tịch xã Thanh Xuân (H.Sóc Sơn, Hà Nội) - địa phương lân cận sân bay Nội Bài, cho biết hằng năm H.Sóc Sơn vẫn ban hành văn bản chỉ đạo các xã trên địa bàn phổ biến kiến thức pháp luật bảo đảm an toàn hàng không. 

Hà Nội: Dân lén lút đốt rơm rạ, xã đau đầu, máy bay khó hạ cánh - Ảnh 1.

Khói đốt rơm rạ vào mùa gặt làm giảm tầm nhìn, uy hiếp an toàn bay

T.N

Xã Thanh Xuân cũng đã lồng ghép các nội dung không đốt rơm rạ, thả diều, đèn trời, chiếu laser… vào các hội nghị được tổ chức ở thôn, làng để tuyên truyền. Ngoài ra, các đơn vị tư vấn, chuyên gia cũng tổ chức hội nghị về nguy hiểm, tác hại của việc đốt rơm rạ, thả đèn trời, chiếu laser. Sau một thời gian siết chặt quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền nên ý thức của người dân đã tốt hơn xưa rất nhiều.

“Một số hộ bị bắt quả tang và xử phạt. Đồng thời các thôn làng còn đưa các quy định vào quy chế nên trên địa bàn không còn xảy ra tình trạng thả diều, chiếu laser”, ông Sang nói.

Tuy nhiên, ông Sang thừa nhận, trên địa bàn vẫn còn một số trường hợp lén lút đốt rơm rạ, do nhận thức của người dân còn chưa đầy đủ. Một bộ phận cho rằng, nếu để rơm khô trên đồng ruộng khiến máy móc khó cày bừa, chậm ải mục, còn các vụ cấy lại rất gần nhau.

“Xã rất đau đầu về vấn đề đốt rơm rạ. Một năm 2 vụ, cứ chuẩn bị đến vụ là xã với công an lại cắt cử nhau đi canh ngoài đồng. Thấy ở đâu có khói, có lửa là chạy đến. Tuy nhiên, địa bàn quá rộng và người dân biết hành vi đốt rơm bị xử phạt nên họ thường đốt lén lút cả ngày lẫn đêm”, ông Sang cho biết thêm.

Đã phạt 3 trường hợp đốt rơm rạ

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, riêng ngày 23.9, có 4 trường hợp tổ lái các chuyến bay thông báo phát hiện đèn trời và các vật thể không người lái trong quá trình tiếp cận hạ cánh, cất cánh lấy độ cao ở khu vực thuộc các huyện Đông Anh và Sóc Sơn.

Qua kiểm tra, công an các xã phát hiện phía đầu tây đường cất, hạ cánh (khu vực xã Thanh Xuân) tổ chức Tết Trung thu cho các cháu, có thả đèn trời; phía đầu đông đường cất, hạ cánh (thuộc xã Xuân Nộn, H.Đông Anh) có thả diều. Lực lượng công an khu vực đã quán triệt, nhắc nhở và tịch thu diều.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết có thể do đèn trời từ nơi khác bay đến. Bởi xã chưa cấp kinh phí nên chưa có thôn, làng nào tổ chức trung thu cho thiếu nhi.

Hà Nội: Dân lén lút đốt rơm rạ, xã đau đầu, máy bay khó hạ cánh - Ảnh 2.

Sẽ ban hành quy định xử phạt vi phạm đốt rơm rạ

TTXVN

Theo Cảng vụ Hàng không miền Bắc, các hành vi đốt rơm rạ, chiếu đèn laser gần sân bay làm giảm tầm nhìn của phi công. Việc chiếu đèn laser khi máy bay đang cất, hạ cánh có thể làm chói mắt, làm phân tán đối với phi công ở thời điểm cần tập trung cao độ.

Các hành vi có nguy cơ gây va chạm trên không gồm thả diều, thả đèn trời, trồng cây cao, xây dựng công trình trái phép gần sân bay hay các hoạt động thu hút chim. Ngoài ra, các hành vi có nguy cơ gây va chạm dưới đất như sử dụng thiết bị bay flycam; chăn thả và để lọt gia súc vào khu bay có thể va chạm với máy bay khi cất, hạ cánh hoặc đang vận hành trên đường lăn, sân đỗ.

Bên cạnh đó, một số hành vi có nguy cơ gây hư hỏng trang thiết bị khai thác cảng hàng không, sân bay như đốt rác gần các công trình, thiết bị của sân bay, lấy trộm trang thiết bị sân bay… có thể làm hư hỏng hệ thống trang thiết bị, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động, khai thác của sân bay.

Theo Nghị định số 162/2018 và Nghị định số 45/2022, người vi phạm có thể đối mặt với hình phạt lên tới 40 triệu đồng (chiếu tia laser vào máy bay); 60 triệu đồng (sử dụng vật thể bay không người lái, flycam) tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi. Đặc biệt đối với hành vi đốt rơm rạ sau thu hoạch của bà con sẽ bị xử phạt từ 2,5 đến 3 triệu đồng…

Thông tin thêm với Thanh Niên, lãnh đạo Văn phòng UBND H.Sóc Sơn cho biết, ngoài việc tuyên truyền, địa phương còn mời người dân trên địa bàn ký cam kết không đốt rơm rạ. Vào năm 2022, xã Quang Tiến, H.Sóc Sơn cũng đã xử phạt 3 trường hợp có hành vi đốt rơm rạ trên địa bàn.

Hà Nội sẽ ban hành quy định xử phạt vi phạm đốt rơm rạ

Theo thống kê, vào vụ đông xuân, tổng diện tích lúa của Hà Nội là hơn 85.000 ha, phát sinh gần 403.000 tấn rơm rạ. Diện tích đốt rơm rạ toàn thành phố vụ đông xuân khoảng 9.772 ha, trong đó H.Sóc Sơn có 2.784 ha đốt rơm (chiếm 28,5% diện tích đốt trên địa bàn thành phố), H.Quốc Oai có 1.930 ha đốt rơm (chiếm 19,7%)…

Vào vụ hè thu, tổng diện tích đất canh tác trồng lúa là gần 79.000 ha, phát sinh hơn 478.000 tấn rơm rạ. Diện tích đốt rơm rạ vụ hè thu là 9.443 ha, trong đó các huyện: Quốc Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Hoài Đức, Gia Lâm có tỷ lệ phát hiện đốt rơm rạ từ khoảng 20 - 33%. Đặc biệt, H.Sóc Sơn có diện tích đốt cao nhất là 2.838 ha (chiếm tỷ lệ hơn 30%), H.Hoài Đức có tỷ lệ đốt cao nhất, gần 34%...

Sở TN-MT đã đề nghị và đã được UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp báo cáo căn cứ pháp luật, đề xuất nội dung "Quy định xử lý hành vi vi phạm đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố" để ban hành.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.