Xử lý vi phạm hơn 400 cơ sở kinh doanh, dịch vụ
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội liên ngành 178) các cấp đã kiểm tra hơn 2.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, qua đó phát hiện, xử phạt, đình chỉ kinh doanh 407 cơ sở vi phạm.
Cơ quan công an triệt phá đường dây mại dâm tại phố cổ Hà Nội đầu tháng 9.2021 |
Trần Cường |
Lực lượng công an các cấp cũng đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá một số tụ điểm nghi ngờ có liên quan đến hoạt động mại dâm như: khu vực đường 72, giáp ranh giữa địa bàn P.Tây Mỗ (Q.Nam Từ Liêm) với P.Dương Nội (Q.Hà Đông); khu vực đường Giải Phóng (Q.Hoàng Mai)...
Mặc dù, hoạt động mại dâm trên địa bàn Hà Nội tuy đã được kiềm chế song diễn biến ngày càng tinh vi. Trong khi đó, TP.Hà Nội là địa bàn giáp ranh với nhiều tỉnh, cũng là nơi tập trung không ít cơ sở kinh doanh dễ phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm, nên việc đấu tranh đẩy lùi hoạt động mại dâm còn nhiều gian nan, thách thức.
Theo ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, ngoài tăng cường phối hợp liên ngành để phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống mại dâm cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Xác định 13 chỉ tiêu phòng chống mại dâm
Để đẩy lùi các hoạt động mại dâm, trong tháng 11, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về phòng, chống mại dâm trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Hà Nội xác định 13 chỉ tiêu cần thực hiện đến năm 2025, cụ thể: 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm. 100% xã, phường, thị trấn triển khai mô hình phòng, chống mại dâm cấp xã. Ít nhất 50% các quận, huyện, thị xã lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Hằng năm, tăng từ 3-5% số tội phạm liên quan đến mại dâm được xử lý theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra trên 60% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lý. Triệt xóa 100% điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm, không để phát sinh điểm mới. Duy trì không để tái hoạt động trở lại tại các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm đã triệt xóa.
Ít nhất 10% địa bàn cấp huyện xây dựng, triển khai mô hình thí điểm về phòng, ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Ít nhất 60% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng; thực hiện các can thiệp giảm hại; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND TP.Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp, gồm: tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mại dâm; các cấp ủy Đảng đưa chương trình phòng, chống mại dâm vào văn kiện, nghị quyết và chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội và thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện; huy động nguồn lực các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời tranh thủ sự tài trợ về tài chính, giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ huy động được của các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống mại dâm.
Bình luận (0)