Hà Nội đi Hải Phòng chỉ còn 1 giờ

06/12/2015 06:13 GMT+7

Chiều 5.12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh thông xe cao tốc Hà Nội - Hải Phòng , tuyến đường rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Hải Phòng chỉ còn 1 giờ.

Chiều 5.12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh thông xe cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Hải Phòng chỉ còn 1 giờ.

Thủ tướng phát lệnh thông xe toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: M.Hà
Ông Đào Văn Chiến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển VN - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi), cho biết việc giải phóng mặt bằng theo tuyến trên diện tích lớn, liên quan đến nhiều hộ dân nên mất 4 năm mới hoàn thành. Đại diện tư vấn giám sát của dự án cho hay, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có thể so sánh với các dự án tương tự được xây dựng trên thế giới. Đây là dự án có một không hai xét về khối lượng xử lý đất để xây dựng trên vùng đồng bằng, vật liệu phải nhập từ nơi khác, gây ra áp lực lớn đến công tác vận chuyển.
Xung lực phát triển kinh tế vùng
Quyết tâm của Chính phủ đến năm 2020 có 2.000 km đường cao tốc, đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng Bộ trưởng GTVT còn hứa phấn đấu 2.500 km. Với điều kiện ngân sách hạn hẹp, không còn cách nào khác là cơ chế PPP, BOT để huy động các nguồn lực
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, đánh giá đây là dự án có diện tích đất phải thu hồi lớn nhất vùng đồng bằng Bắc bộ từ trước tới nay. “Dự án sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ”, ông Thành nói.
Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là công trình cao tốc đạt tiêu chuẩn tiên tiến của quốc tế, hiện đại nhất VN đến thời điểm này. “Với số vốn đầu tư khá lớn, hơn 45.000 tỉ đồng, tương đương 2 tỉ USD, đây là con đường có rất nhiều ý nghĩa. Nếu chúng ta đi từ Hà Nội đến Hải Phòng theo quốc lộ 5 mất khoảng 2,5 tiếng thì bây giờ đi cao tốc chỉ còn 1 tiếng. Tuyến đường này sẽ là xung lực, khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của khu vực đồng bằng Bắc bộ”, Thủ tướng nhấn mạnh. Biểu dương chủ đầu tư trong bối cảnh khó khăn đã nỗ lực huy động vốn hoàn thành công trình, Thủ tướng cũng biểu dương các tỉnh có dự án đi qua đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Cảm ơn nhân dân các địa phương nơi có dự án đi qua đã tạo thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư chú ý cải thiện việc làm, đời sống của hơn 47.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, tiếp tục phải hoàn thiện một số hạng mục còn lại, đặc biệt là cảnh quan, đường gom, hạng mục phụ trợ.
Thủ tướng cũng biểu dương Bộ GTVT với nhiệm vụ bộ quản lý nhà nước về phát triển hạ tầng giao thông, khi đưa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào khai thác, cả nước đã có 710 km đường cao tốc, vượt kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 gần 110 km cao tốc. “Quyết tâm của Chính phủ đến năm 2020 có 2.000 km đường cao tốc, đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng Bộ trưởng GTVT còn hứa phấn đấu 2.500 km. Với điều kiện ngân sách hạn hẹp, không còn cách nào khác là cơ chế PPP, BOT để huy động các nguồn lực. VN tạo mọi cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, hy vọng sau 5 năm nữa sẽ có 2.500 km đường cao tốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Mức phí cao nhất 840.000 đồng/xe
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khởi công vào tháng 5.2008, dài hơn 105 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, có quy mô đường ô tô cao tốc loại A, tốc độ tối đa 120 km/giờ với 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Tuyến đường được sử dụng bê tông nhựa polime dày 5 cm phía trên để giảm khả năng hằn lún vệt bánh xe khi xe chở quá tải đi vào.
Trên tuyến có 2 trạm thu phí lớn với quy mô 16 làn thu phí. Các trạm thu phí khác bố trí trên nút giao với các đường quốc lộ với quy mô 4 - 10 làn thu phí. Để hoàn vốn đầu tư, Vidifi được Chính phủ cho quyền quyết định mức thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo từng thời kỳ.
Mức phí được Vidifi áp dụng khoảng 1.500 đồng/km với xe tiêu chuẩn, phân thành 5 nhóm xe và tính phí theo quãng đường thực đi. Theo đó, mức phí thấp nhất toàn tuyến với xe dưới 12 chỗ, xe buýt, xe tải trọng dưới 2 tấn là 160.000 đồng. Mức phí cao nhất trên toàn tuyến là 840.000 đồng áp dụng với xe tải trọng 18 tấn trở lên, xe chở container 40 feet.
Sau khi thông xe toàn tuyến, dự án được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc, tai nạn giao thông thường xảy ra trên quốc lộ 5, nơi có mật độ lưu thông vận chuyển hàng hóa lớn nhất cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.