UBND TP.Hà Nội vừa trình HĐND thành phố Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong đồ án, thành phố dự báo đến năm 2030 trên địa bàn có 12 triệu người, đến năm 2045 là 14,6 triệu người, đến năm 2050 là 15,5 triệu người.
Kế thừa quy hoạch chung năm 2011, Hà Nội xác định quy hoạch đô thị theo 5 vùng. Trong đó, vùng đô thị trung tâm gồm nội đô lịch sử (các quận nội thành hiện hành) và khu vực mở rộng đô thị về các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì…
Vùng đô thị phía đông Hà Nội gồm Q.Long Biên, H.Gia Lâm. Vùng đô thị phía bắc gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Vùng đô thị phía tây gồm các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ. Vùng đô thị phía nam gồm các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên.
Trong đồ án, Hà Nội cũng đề xuất áp dụng mô hình "thành phố trong thủ đô". Theo đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ dành nguồn lực xây dựng thành phố phía bắc, nằm trên địa bàn các huyện: Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn. Thành phố phía tây thuộc khu công nghệ cao Hòa Lạc (H.Thạch Thất) và TT.Xuân Mai (H.Chương Mỹ).
Đồ án cũng thể hiện dự kiến sau khi hình thành sân bay thứ 2 vùng thủ đô, Hà Nội sẽ xây dựng thành phố khu vực phía nam (nằm trên địa bàn H.Phú Xuyên và H.Ứng Hòa). Cảng hàng không này có vai trò kết nối với "đô thị sân bay" ở 2 huyện phía nam của thủ đô.
Việc hình thành khu đô thị phía nam nhằm xây dựng trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng) và đường cao tốc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL5B - Tây Bắc).
Tại thành phố phía bắc của Hà Nội sẽ lấy sân bay Nội Bài là "hạt nhân" định hướng phát triển các ngành nghề, dịch vụ. Đồng thời, sẽ là trung tâm dịch vụ về tài chính, công nghiệp công nghệ cao của Hà Nội. Thành phố cũng định hướng khu vực này có các trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao giải trí.
Theo quy hoạch thành phố phía bắc Hà Nội có tổng diện tích khoảng 633 km2, quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người. Đất đô thị của thành phố này khoảng 385 km2, dân số khoảng 2,92 triệu người; khu vực khác rộng khoảng 248 km2 với dân số khoảng 330.000 người. Thành phố phía bắc có khoảng 45 phường và 24 xã.
Thành phố phía tây có trung tâm là khu công nghệ cao Hòa Lạc và TT.Xuân Mai. Hà Nội định hướng thành phố này sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Thành phố này có diện tích khoảng 251 km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 135 km2, dân số 1,08 triệu người; khu vực ngoại thị khoảng 116 km2 với dân số 120.000 người. Định hướng thành phố phía tây có 16 phường và 8 xã.
Trong quy hoạch, thành phố cũng định hướng khu đô thị nông thôn ở phía nam, gồm các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên. Nơi đây sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch tín ngưỡng của thủ đô.
Về quy hoạch sử dụng đất, TP.Hà Nội dự báo đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 90.000 ha (chiến 27% diện tích toàn thành phố); đến năm 2025 đất xây dựng đô thị khoảng 120.000 ha (chiếm 36% diện tích toàn thành phố).
Dự kiến tại kỳ họp thứ 15 - kỳ họp chuyên đề diễn ra vào ngày 29.3, HĐND TP.Hà Nội sẽ cho ý kiến về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Bình luận (0)