UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị, sở, ngành về việc triển khai thực hiện thông báo của Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố.
Theo đó, TP.Hà Nội yêu cầu tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị; xây dựng mức phụ cấp hợp lý và chế độ khuyến khích đối với đội ngũ văn phòng đảng ủy và các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, tiếp tục thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố.
Thành phố cũng giao nhiệm vụ đánh giá mô hình hoạt động trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND quận, huyện, thị xã; báo cáo Chính phủ về mô hình đội quản lý trật tự xây dựng đô thị sau khi kết thúc thí điểm.
Đặc biệt, UBND TP.Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Sở QH-KT, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu trình Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội ban hành chỉ thị về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu, xây dựng đề án quản lý vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố; đảm bảo bài bản, toàn diện, chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa giữa an ninh trật tự và phát triển kinh tế đô thị, gắn với đảm bảo quyền lợi sinh kế của nhân dân; làm trọng điểm từng bước theo phân khu, đánh giá tác động, tiến tới nhân rộng phạm vi thực hiện.
UBND thành phố yêu cầu các cơ quan liên quan tham mưu, trình Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội ban hành chỉ thị về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn vào tháng 6; hoàn thành đề án vào quý 4.
Trước đó, tại hội nghị lần thứ 7 của Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế TP.Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý, quan điểm của thành phố là tiếp tục tăng cường phân cấp, ủy quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp quận, huyện. Một trong những lĩnh vực phải làm ngay theo cách này là quản lý vỉa hè, lòng đường.
"Cách làm vừa qua là chưa căn cơ, bài bản. Lòng đường, vỉa hè phố cổ thì phải ứng xử khác lòng đường lớn như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt... phải tính để cho dân kinh doanh, có thể vào buổi tối, vào cuối tuần... Tôi đề nghị phải xây dựng đề án riêng đi sâu vào thiết kế đô thị, cụ thể từng khu vực, công khai, minh bạch, để nhân dân kiểm tra, giám sát, thụ hưởng và thống nhất thực hiện. Trên cơ sở đó, làm từng khu vực, từ từ từng bước, làm đến đâu chặt chẽ, chắc chắn đến đấy", ông Dũng nhấn mạnh.
Bình luận (0)