Dự lễ có Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội; tăng ni sinh Học Viện Phật giáo Việt Nam và đông đảo tín đồ, Phật tử Thủ đô.
Tượng đài Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương thăng thiên hóa Thánh) được đặt trên đỉnh núi Đá Chồng - đỉnh núi cao nhất của khu du lịch tâm linh thuộc quần thể Đền Sóc - Chùa Non - Học viện Phật giáo Việt Nam. Tượng đài do Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng. Theo thiết kế, tượng có chiều cao 9,9m, chiều rộng 13,5m, trọng lượng ước tính khoảng 60 -70 tấn, được làm bằng đồng, miêu tả hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt thăng thiên về trời từ trên đỉnh núi. Đỉnh Đá Chồng, nơi đặt tượng, có chiều cao 297m so với mặt nước biển (khoảng 3.500 bậc thang bộ). Dự kiến, tượng, bệ tượng sẽ được đúc, xây dựng và hoàn thiện trong vòng hơn 2 năm. Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ làm lễ Hô thần nhập tượng Thánh Gióng và khánh thành tượng đài vào khoảng tháng 10.2010, đúng vào dịp kỷ niệm Thủ đô Thăng Long ngàn năm tuổi.
Theo truyền thuyết, thời Hùng Vương thứ 6, giặc n xâm lược nước ta, Thánh Gióng đã nhổ bụi tre ngà đánh đuổi giặc về đến chân núi Vệ Linh. Giặc tan, Thánh Gióng cởi áo giáp để lại ngang núi rồi phi ngựa lên đỉnh núi bay về trời. Theo nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Kim Xuân thuộc Hội Văn học - Mỹ thuật Hà Nội - tác giả của tượng đài Thánh Gióng: mẫu thiết kế tượng đài Thánh Gióng được chọn kỹ lưỡng, qua nhiều vòng xét tuyển trong số 28 mẫu gửi đến Ban tổ chức và đã được UBND thành phố thông qua. Mẫu tượng này khi đưa ra lấy ý kiến đã nhận được sự đồng tình cao của các tín đồ, Phật tử và nhân dân cả về mẫu mã, kích cỡ và chất liệu, Sở Văn hóa - Thông tin thành phố đang giao cho đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện tiếp các phương án kết cấu, kỹ thuật và xử lý nền móng... sau đó sẽ chuyển sang thi công.
Theo thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban quản lý dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng: Đây là công trình văn hóa lịch sử tâm linh có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết yêu nước của dân tộc ta, cũng như phát huy sự nghiệp bảo vệ đất nước. Việc đúc tượng đài Thánh Gióng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - hình tượng biểu trưng cho hòa bình, ổn định và phát triển; đồng thời là minh chứng thiết thực cho phương châm “Đạo pháp - Dân tộc” mà Giáo hội đã đề ra; góp phần cùng cả nước kỷ niệm thủ đô Thăng Long ngàn tuổi.
Theo TTXVN
Bình luận (0)