Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, thống nhất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô.
Nội dung văn bản thể hiện, Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô (Dự án thành phần 3) có tổng mức đầu tư là hơn 56.293 tỉ đồng, gồm vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng là hơn 26.767 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư là hơn 29.525 tỉ đồng.
Tại Quyết định số 6479, UBND TP.Hà Nội tách tiểu dự án đầu tư công trong Dự án thành phần 3 để thực hiện đầu tư xây dựng cầu Hồng Hà; đoạn Vành đai 3 từ trước nút giao quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (bao gồm cầu Mễ Sở); cầu Hoài Thượng; đoạn tuyến nối 9,7 km (bao gồm hoàn thiện nút Tây Nam và nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Các hạng mục còn lại thuộc Dự án thành phần 3 sẽ do nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện bằng nguồn vốn tự có và vốn tín dụng.
Theo TP.Hà Nội, công tác khảo sát phục vụ lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng của tiểu dự án đầu tư công trong Dự án thành phần 3 đã cơ bản hoàn thành. Thành phố cũng đang triển khai thẩm định hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư để phê duyệt đồng thời với thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở.
Tuy nhiên, theo TP.Hà Nội, khó khăn của Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô chính là phải triển khai xây dựng đường cao tốc trung tâm - "xương sống" của dự án đảm bảo tiến độ, đồng bộ với các dự án thành phần xây dựng đường song hành dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án thành phần 3 thì chỉ có 1 nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn T&T quan tâm đến dự án. Do vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư trong nước dự kiến sẽ gặp khó khăn do nhà đầu tư phải đáp ứng tiêu chí tối thiểu theo quy định đối với một dự án giao thông rất lớn, có tính chất, quy mô phức tạp, lần đầu tiên được TP.Hà Nội triển khai thực hiện áp dụng theo luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó nhà đầu tư cần đóng góp vào dự án khoảng 29.525 tỉ đồng…
TP.Hà Nội nhận định, với các nguyên nhân trên, khả năng không nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia tổ hợp thành liên danh nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu.
Để mở rộng thêm nhà đầu tư quốc tế tham gia đấu thầu rộng rãi trong nước nhằm tổ hợp nhiều nhà đầu tư hình thành được liên danh nhà đầu tư đáp ứng kinh nghiệm đảm bảo tính cạnh tranh, huy động được thêm nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, UBND TP.Hà Nội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, căn cứ theo Nghị định 35/2021/NĐ-CP, Hà Nội đề nghị cho phép khi thực hiện đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư và xây dựng hồ sơ mời thầu trong đó được quy định: "Nhà đầu tư trong nước được liên danh với nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc sử dụng đối tác là nhà thầu nước ngoài để tham dự thầu; trong trường hợp này, nhà đầu tư trong nước phải là thành viên đứng đầu liên danh".
Kiến nghị này đã được TP.Hà Nội báo cáo Đoàn giám sát Quốc hội khóa XV tại Báo cáo số 96/BC-UBND ngày 29.3 vừa qua.
Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô được khởi công hồi tháng 6.2023, với tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỉ đồng. Dự án chia thành 7 dự án thành phần, trong đó hợp phần đường cao tốc đi trên cao Dự án Vành đai 4 có chiều dài hơn 113 km, chạy trên địa bàn 3 tỉnh thành là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, với tổng mức đầu tư được TP.Hà Nội phê duyệt là 56.293 tỉ đồng.
Theo tiến độ dự kiến, đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Bình luận (0)