Theo tính toán của trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT), cầu vượt lắp ghép kết cấu thép chỉ mất 4 tháng cả thiết kế và thi công và sử dụng trong khoảng 10-15 năm. Theo đề xuất này, cầu có mặt cắt ngang 12m, bề mặt đổ bê tông liên hợp, chi phí khoảng 150 - 189 tỉ đồng/cầu.
Tuy nhiên, tại buổi tham vấn giữa Sở GTVT Hà Nội và Bộ GTVT sáng 20.10, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không tính toán cẩn thận, việc xây các cầu vượt này sẽ chỉ giải tỏa tắc tại chỗ, nhưng lại làm tắc toàn bộ đường ra vào các cửa ngõ. Đặc biệt, việc xây cầu tạm dùng trong vài năm có thể làm lãng phí hàng trăm tỉ đồng.
Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ đề xuất, nên xây dựng cầu vượt lắp ghép sử dụng kết cấu vĩnh cửu, dùng luân chuyển lâu dài để tránh lãng phí.
Ông Mai Văn Hồng, Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, cảnh báo, việc xây cầu vượt lắp ghép chỉ hạn chế mà không giải quyết triệt để ùn tắc.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng gợi ý nên làm cả cầu vượt lắp ghép nút Giảng Võ - Đê La Thành để thông suốt đến vành đai 3. Gợi ý này chưa được TP Hà Nội hưởng ứng vì khu vực này có nhiều di tích khảo cổ cần nghiên cứu, bảo tồn.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cầu vượt lắp ghép sẽ giảm thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng do ùn tắc mỗi năm tại các nút giao thông trọng điểm. Đưa ra phương án bề mặt chỉ nên là 9m, độ cao cầu 4,5m, ông Hùng yêu cầu trong tháng 10, các bên phải hoàn thiện dự án để Sở xin ý kiến thành phố, sau đó trình Chính phủ. |
Mai Hà
Bình luận (0)