Sáng 11.10, UBND TP.Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với phát triển đô thị TP.Hà Nội”.
Hội thảo quy hoạch xây dựng thủ đô sáng nay |
trường phong |
Tại hội thảo, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, về định hướng lớn, Hà Nội sẽ nghiên cứu khả năng phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" tại khu vực phía bắc (gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số "thị xã mới trong thành phố".
Theo đó, dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành Đề án xây dựng thành quận đối với 5 huyện, gồm: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng, dự báo tỷ lệ đô thị hóa sẽ khoảng 60 - 65%, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung (đến năm 2030 đạt 68%).
Tuy nhiên, hiện trạng tỷ lệ đô thị hóa của cả 5 huyện nói trên còn rất thấp, như H.Hoài Đức chỉ đạt 2,4%, cao nhất là H.Gia Lâm cũng chỉ đạt 15,7%, H.Đông Anh đạt 6,7%. Các dự án phát triển đô thị chậm triển khai, sử dụng đất đai đô thị theo quy hoạch còn chưa hiệu quả, cho thấy nền tảng để hình thành quận tại các huyện này còn thấp.
Khu vực này dự kiến có tổng diện tích khoảng 700 km2 (bao gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và một phần Mê Linh, Gia Lâm); diện tích đất đô thị khoảng 250 km; quy mô dân số đô thị khoảng 2 triệu người. Đến năm 2025 đạt đô thị loại 2, năm 2030 đạt đô thị loại 1.
Ngoài ra, chương trình phát triển đô thị đề xuất hình thành một số thị xã mới trên cơ sở rà soát các yếu tố đã được xác định trong quy hoạch, thực tế năng lực của đơn vị hành chính địa phương (sau quy hoạch) và các quy định tại Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các thị xã mới dựa trên cấu trúc đô thị của Quy hoạch chung 1259 được xác định bởi hạt nhân là các đô thị vệ tinh như Xuân Mai (đô thị loại 2), Phú Xuyên (đô thị loại 3) giúp tạo cơ hội thuận lợi về kêu gọi đầu tư...
Dù vậy, đây là vấn đề mới nên cần được xem xét và đánh giá kỹ trong quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch. Việc thành lập các thị xã mới dựa trên việc sáp nhập các huyện với nhau để khắc phục tình trạng xuất phát điểm thấp và được thực hiện theo lộ trình.
Cần thiết có sân bay thứ 2
Về điều chỉnh quy hoạch giao thông, ông Huy cho biết, thành phố rất cần thiết có sân bay thứ hai đáp ứng quy hoạch 150 triệu hành khách/năm. Sơ bộ khảo sát, phương án ý tưởng sẽ đặt ở phía nam Hà Nội, nằm giữa vành đai 4 và 5, với quy mô 1.300 ha.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các thành phố khoảng 10 triệu dân sẽ có 2 đến 3 sân bay. Nếu đến ngoài năm 2030 mới tính đến thì sẽ không có đất làm sân bay. Hà Nội sẽ nghiên cứu kỹ về đề xuất này trong thời gian tới.
Ngoài ra, dự kiến thành phố sẽ nghiên cứu cải tạo xây dựng các bãi nổi sông Hồng thành các công viên chuyên đề. Xây dựng các tuyến xe đạp, đường chạy bộ, đường dạo kết hợp với các tiện ích thể thao... đa dạng hóa các hoạt động liên quan đến dòng sông. Nghiên cứu cải tạo xây dựng các bãi nổi thành các công viên chuyên đề để cải tạo hình ảnh đô thị.
Bộ GTVT từng "bác" đề xuất xây sân bay ở Ứng Hoà
Về đề xuất phương án quy hoạch sân bay thứ 2 vùng thủ đô của Hà Nội trước đây, Bộ GTVT từng có ý kiến đánh giá vị trí H.Ứng Hòa rất khó khả thi trong việc bố trí sân bay mới với mục đích hỗ trợ, chia sẻ lưu lượng cho sân bay Nội Bài. Các vị trí tiềm năng khác tại H.Thanh Miện (tỉnh Hải Dương), H.Tiên Lãng (TP.Hải Phòng) có tính khả thi cao hơn.
Theo Bộ GTVT, trong hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đơn vị kiến nghị thời điểm nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 vùng thủ đô sau năm 2040.
Bình luận (0)