Hà Nội mờ sương
Tôi là dân Sài Gòn. Thuở bé tôi đã được đọc Hà Nội băm sáu phố phường của nhà văn Thạch Lam, bút ký của cụ Nguyễn Tuân về Hà Nội, phở Hà Nội... Để rồi tôi luôn ao ước một lần đặt chân đến thủ đô ngàn năm văn vật!
Năm 2007 tôi được ra Hà Nội thật! Máy bay đáp, sau gần hai tiếng đồng hồ trên bầu trời. Xếp hàng bước xuống. Trái với cái nóng của miền Nam, vừa ra khỏi cửa, xuống cầu thang, tôi đã phải khoác ngay áo rét. Cuối tháng 12, thời tiết Hà Nội lạnh, mờ mờ hơi sương, nói ra cả hơi nước... tuyệt vời làm sao!
Nơi đầu tiên tôi đến là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường Ba Đình rộng lớn hoành tráng đến không ngờ. Hàng tre bên lăng Bác được trồng hết sức cẩn thận với loại tre đốt ngắn, lá nhỏ, thẳng hàng đều tắp chứ không dày đặc như tôi tưởng tượng... Đúng là có đi mới biết, có học mới khôn.
Tôi đến Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta, nơi mà tôi và nhiều người trong Nam chỉ biết qua sách vở, báo chí, truyền hình. Nay được mắt thấy tai nghe, tay chạm vào các bia tiến sĩ, kính cẩn hai tay xoa vào đầu các cụ rùa đá mà lòng bỗng dưng bồi hồi xúc động!
Ấn tượng nhất đối với tôi là cái trống của Văn Miếu. Trống to đến không ngờ, được đặt trên cái giá gỗ to. Trống được mái ngói đỏ che mưa che nắng hẳn hòi. Khi đánh trống, không biết âm thanh vang xa đến tận nơi nao...
Người Hà Nội dễ thương
Năm 2015 tôi lại ra Hà Nội. Lần này tôi “cư ngụ” tại phố cổ - băm sáu phố phường. Tôi đặt phòng ở một khách sạn ngay phố Thuốc Bắc, cùng xe đón sẵn tại sân bay về thẳng khách sạn. Chao ôi tôi thích cái rét của mùa xuân Hà Nội đến thế! Người Hà Nội sao cũng dễ thương đến thế!... “Mai bác ra Hà Nội ạ?”, câu hỏi từ hôm trước khi lên máy bay của khách sạn gọi vào.
Khi vừa xuống sân bay, tôi lại được chăm sóc: “Cháu đã cho xe đón bác ạ! Xe bốn chỗ, màu trắng, số..., bác nhá. Kiếm không ra thì bác gọi cho tài xế số này...”. Người của khách sạn đón tôi ngay cửa, đem đồ đạc vào... Thèm phở vì đi từ sớm, tôi được chỉ đến phở Bát Đàn cách đấy không xa. Trời lạnh lại mưa phùn, được bát phở nóng, còn gì bằng!
Hóa ra quán phở Bát Đàn phải xếp hàng, tự bê bát phở sau khi trả tiền rồi kiếm bàn ngồi. Nước dùng nóng hôi hổi, vị ngọt thanh của xương bò, trời lạnh, vừa ăn vừa thở ra khói. Khách Tây, khách ta ngồi xen kẽ, sì sụp với những gắp phở mềm mại, những miếng thịt bò thái thật khéo...
Sáng hôm sau, tôi lang thang ra phố nhỏ... Sáu giờ vẫn còn vắng lặng. Hà Nội dậy hơi trễ và ngủ hơi sớm thì phải. Ít bước chân là đến hàng bánh cuốn nóng vỉa hè. Bà bán hàng với áo phao dài tay, cổ quấn khăn, đầu đội mũ len, luôn tay khuấy bột, múc bột, tráng bánh, dỡ bánh. Hai bàn tay bà thoăn thoắt theo đúng quy trình không sai một bước. Người phụ chỉ việc đón bánh, cắt bánh để vào đĩa, ít miếng giò vào một đĩa riêng, tí nước chấm vào cái chén con con, tí rau thơm cũng vào cái rổ nhỏ xíu và tất cả để trên một cái khay bê ra mời khách. Lịch sự, thanh cảnh, gắp mỗi thứ một tí, chậm rãi mà thưởng thức món ngon của Hà thành...
Mùa xuân
Đi bộ về khách sạn, lần đầu tiên trong đời, tôi gặp được những xe đạp bán hoa của những phụ nữ Hà Nội. Ôi, có thể nào tả được những thúng, những mẹt hoa sớm tinh mơ tươi thắm kia. Họ bán đủ loại hoa và bày biện hết sức khéo, bắt mắt. Không thể nào không dừng lại để xin một tấm hình và không thể nào không mua một ít về cắm trong phòng cho thêm thi vị.
Cuối năm 2019, tôi lại tìm được vé để tháng ba năm sau ra Hà Nội.
Tháng ba, Hà Nội đương xuân!
Cũng điện thoại đặt phòng trước ở khách sạn nhỏ trên phố Thuốc Bắc ấy... Hà Nội dù đi năm lần bảy lượt, tôi vẫn không bao giờ cảm thấy chán. Bởi Hà Nội dung dị, Hà Nội thanh cảnh, Hà Nội lịch sự, hiền hòa... “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Thế rồi Covid-19 kéo đến... Tới ngày lên máy bay cũng là ngày dịch bùng phát mạnh, tôi bỏ chuyến. Tiếc không nói nổi! Quên không điện thoại ra khách sạn. Họ đã điện vào “bác có ra Hà Nội không ạ?”. Giật mình, vội xin lỗi hẹn... “Dạ không có gì đâu bác... Hẹn gặp lại bác một ngày không xa ạ”.
Vâng, tôi sẽ lại ra Hà Nội một ngày không xa. Tôi sẽ lại đến băm sáu phố phường.
|
Bình luận (0)