Một giải pháp chữa cháy được cho là có thể kéo dài tuổi thọ của các bãi rác Hà Nội hiện có, theo ông Đặng Dương Bình, nguyên Trưởng phòng Môi trường (Sở TN - MT Hà Nội), thành phố cần tổ chức lấy mùn do rác phân hủy từ các ô chôn rác đem đi cải tạo đồng ruộng để tạo ra dung tích chứa rác mới. “Mỗi bãi rác được chia thành nhiều ô đổ rác và trên thực tế, chúng ta đổ đầy ô này mới sử dụng đến ô tiếp theo. Bây giờ, tại những ô đã lấp đầy cách đây vài năm, chúng ta nên cho công nhân sàng lấy mùn. Với cách làm này, mỗi ô sẽ có thêm 30% dung tích chứa rác”, ông Bình nói.
Nâng cao nhận thức của người dân “Nếu đi theo hướng càng phát sinh bao nhiêu, chôn lấp bấy nhiêu sẽ luôn luôn gặp bất cập, đó là chưa kể hố chôn lấp không đảm bảo tiêu chí cần thiết làm phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Cùng với việc chôn lấp cần áp dụng đồng thời nhiều giải pháp, trong đó nghiên cứu cân đối đốt rác như thế nào, phân biệt các khu chôn lấp chất thải nguy hại với chất thải thông thường. Đặc biệt một biện pháp cơ bản là phân loại rác tại nguồn, kết hợp vận động người dân hạn chế chất thải, nâng cao nhận thức người dân để làm sao thải ra ít chất thải nhất”. TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN |
Tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường khi trao đổi với chúng tôi đều cho rằng, chôn lấp là biện pháp rẻ tiền và kinh tế nhất trong điều kiện có thừa đất để chôn. Nhưng trong khi quỹ đất Hà Nội có hạn, rác thải mỗi ngày một nhiều thêm, nếu mở rộng diện tích các bãi rác, cùng lắm cũng chỉ được 10 - 20 năm nữa. Do đó, giải quyết bài toán về rác thải Hà Nội nên tập trung vào đầu tư cho công nghệ xử lý rác.
TS Nguyễn Thị Kim Thái, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, điều cần thiết trước mắt là Hà Nội phải sớm có quy hoạch quản lý chất thải theo định hướng quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030. “Xu thế chung là phải giảm tới mức tối thiểu diện tích đất chôn lấp chất thải mà muốn vậy cần phải áp dụng những công nghệ xử lý phù hợp cho điều kiện của thành phố. Bãi chôn lấp chỉ đóng vai trò tiếp nhận các thành phần vô cơ không thể tận dụng và không thể xử lý được”, bà Thái nói.
Theo TS Thái, việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến rác chỉ thực sự có hiệu quả nếu công tác phân loại tại nguồn được tuân thủ. Lưu ý rằng các loại công nghệ chế biến rác đều có bộ phận thiết bị phân loại nhưng chỉ có thể phân loại thứ cấp. Nếu phó thác việc phân loại rác cho các thiết bị này thì hiệu quả xử lý sẽ không đạt yêu cầu, cụm thiết bị phân loại sẽ không hoạt động được lâu. Đây chính là bài học về nguyên nhân không thành công của công nghệ ủ rác hữu cơ, chế biến thành phân sử dụng cho cây trồng.
|
TS Thái cho biết ở nhiều đô thị lớn tại châu Á (Singapore, Tokyo, Tapei, Seoul, Kuala Lumpur...) việc áp dụng công nghệ đốt chất thải có thu hồi năng lượng có xu thế ngày càng tăng và tỷ lệ áp dụng bãi chôn lấp hợp vệ sinh để xử lý rác thải ngày càng có xu hướng giảm, đặc biệt là công nghệ tái chế chất thải ở các đô thị này phát triển khá nhanh. “Từ các bài học kinh nghiệm của thế giới và thực tế phát triển của Hà Nội, thành phố cần phát triển và mở rộng khu liên hợp xử lý chất thải hiện có tại Nam Sơn. Mô hình xử lý chất thải cho thành phố sẽ phải được thực hiện đồng bộ từ phân loại tại nguồn kết hợp xử lý chất thải hữu cơ và đốt chất thải có thu hồi năng lượng. Song song với áp dụng công nghệ xử lý, việc khuyến khích, tạo cơ chế phù hợp để phát triển công nghệ tái chế sẽ tạo cơ hội tốt để giảm thiểu diện tích chôn lấp, không tạo áp lực về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do hoạt động của bãi chôn lấp gây ra, bởi bãi chôn lấp chỉ phải tiếp nhận chất trơ”, TS Thái nói.
PGS-TS Trịnh Kim Chi, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, Hà Nội nên kết hợp các phương pháp phát triển công nghiệp phân loại đến phát triển công nghiệp tái chế chất thải sinh hoạt. Những loại rác thải như xà bần, vật liệu xây dựng, xỉ than không tái chế, không sử dụng được lúc đó mới buộc được mới phải đem chôn.
Về hướng đẩy mạnh xây dựng nhà máy đốt rác, theo PGS-TS Chi, bổ sung nguồn điện năng từ rác không thấm vào đâu so với nhu cầu thiếu hụt điện năng của VN hiện nay. Tuy nhiên, ưu điểm của nhà máy phát điện từ rác là giải quyết vấn đề môi trường, giảm thải thể tích chất thải rắn chôn lấp, nếu trước đây chôn 10 thì giờ chỉ phải chôn 1. Hơn nữa, chất thải chôn lấp còn lại sau khi đốt rất an toàn không để lại bệnh dịch. Phát triển nhà máy điện từ rác là hướng đi rất văn minh, có ý nghĩa về mặt môi trường lớn hơn ý nghĩa về mặt kinh tế.
Có thể tiết kiệm 4 tỉ đồng/tháng Dự án thu gom rác tại nguồn (3R- Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Tái sử dụng, Recycle - Tái chế) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ cho Hà Nội trị giá 3 triệu USD với mục tiêu giảm thiểu 30% lượng chất thải mang đi chôn lấp. Theo Ban quản lý dự án, sau 3 năm triển khai, dự án đã thu được khoảng 25.000 tấn rác thải hữu cơ và đã chế biến được khoảng 10.000 tấn phân hữu cơ từ số rác này theo quy trình mới. Theo tính toán của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nếu Hà Nội đổi mới phương pháp thu gom, xử lý rác thải theo sáng kiến 3R thì trung bình mỗi tháng sẽ tiết kiệm được 4 tỉ đồng từ xử lý rác thải. |
Quang Duẩn - Thu Hằng
Bình luận (0)