Nguồn kinh phí tạm tính để phá dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực vào khoảng 17 tỉ đồng, tạm ứng từ ngân sách quận. UBND Q.Ba Đình cũng đã kiến nghị UBND TP.Hà Nội cho phép chỉ định đơn vị thi công tháo dỡ là Công ty CP đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam.
Theo kế hoạch, từ ngày 22.4 - 12.5 sẽ cho lắp rào chắn ở phố Trần Phú, đoạn qua công trình 8B Lê Trực, để tập kết máy móc, lắp đặt cẩu tháp, vận thăng... Sau đó, tổ chức tháo dỡ từ ngày 15.5, nhưng thời gian hoàn thành việc phá dỡ chưa xác định được. Việc phá dỡ tầng 18 của tòa nhà 8B Lê Trực sẽ bắt đầu từ các hạng mục vách kính mặt tiền, thiết bị điện, nước, nội thất, tường gạch, sàn bê tông cốt thép… UBND Q.Ba Đình cho hay, do thiết kế công trình phức tạp, chưa có đơn vị tư vấn, nên hệ khung, cột, dầm ở tầng 18 chưa bị phá dỡ trong đợt này. Sau khi hoàn thành phần việc phá dỡ tầng 18, cơ quan chức năng sẽ xem xét phương án phá dỡ tiếp tầng 17.
UBND Q.Ba Đình kiến nghị UBND TP.Hà Nội giao Công an TP.Hà Nội phối hợp, hỗ trợ cưỡng chế; giao các sở: Xây dựng, LĐ-TB-XH, Tài chính phối hợp, hướng dẫn UBND quận trong quá trình thi công tháo dỡ, tạm ứng, thanh quyết toán chi phí tháo dỡ công trình sai phạm.
Ông Lê Văn Hùng, đại diện Công ty CP May Lê Trực, chủ đầu tư tòa nhà, cho biết đến chiều 24.4, công ty chưa nhận được phương án hay thủ tục liên quan đến việc phá dỡ tầng 18 của công trình. Quan điểm của chủ đầu tư từng nhiều lần kiến nghị UBND Q.Ba Đình là phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý được cấp đủ thẩm quyền phê duyệt trước khi phá dỡ phần vi phạm của dự án, do tầng 17 và 18 đã được cấp phép xây dựng.
Theo ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND Q.Ba Đình, tầng 17 và 18 công trình 8B Lê Trực có trong giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng Hà Nội cấp với đầy đủ chỉ tiêu về sàn, khoảng lùi, chiều cao… Nhưng chủ đầu tư xây dựng vi phạm về chiều cao, nên buộc phải phá dỡ, đảm bảo đúng chiều cao tòa nhà.
Bình luận (0)