Số liệu thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho thấy, tuần gần đây, Hà Nội có tên trong danh sách 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 thấp nhất trong số được phân bổ.
Ngay khi nhận được vắc xin cấp bổ sung mới đây, Hà Nội đang tăng tốc bao phủ vắc xin với ưu tiên mới là người cao tuổi.
Theo Sở Y tế Hà Nội, các đợt tiêm chủng vừa qua, vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, tuy nhiên chưa triển khai tiêm cho người cao tuổi.
Lý giải về việc này, một chuyên gia cho hay, vừa qua, do lượng vắc xin hạn chế, Hà Nội tập trung tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, khu vực lao động, sản xuất. Hiện, lượng vắc xin tiếp cận nhiều hơn, nên ngành y tế đã mở rộng tiêm đến những người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Đây là những nhóm nguy cơ tăng mức độ nặng nếu mắc Covid-19.
Đáng lưu ý, cùng với việc chú trọng bảo vệ các đối tượng có nguy cơ tăng nếu không may nhiễm Covid-19, ngành y tế Hà Nội đang tăng tốc tiêm vắc xin, tăng độ bao phủ cho các nhóm đối tượng.
Số liệu về tiến độ tiêm chủng Covid-19 cập nhật liên tục trong 1 tuần đầu tiên của tháng 9 này cho thấy số liều vắc xin được tiêm hằng ngày đã tăng rõ rệt trong 2 ngày gần đây.
Ngày tiêm cao nhất, Hà Nội đạt hơn 103.000 mũi, cao gấp 25 lần so với ngày có số lượng tiêm thấp nhất (hơn 4.000 mũi).
Cụ thể, ngày 1.9, tiêm 10.632 mũi, ngày 2.9 đạt 4.040 mũi, ngày 3.9 đạt 11.273 mũi và ngày 4.9 tăng lên 14.218 mũi.
Riêng trong 2 ngày gần đây, số vắc xin Covid-19 được tiêm tăng mạnh. Trong đó, có 96.082 mũi vắc xin Covid-19 đã được tiêm trong ngày 5.9 và số lượng vắc xin được tiêm đã lên đến 103.198 mũi trong ngày hôm qua (6.9).
Tại cuộc họp báo mới đây, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố có thể đạt công suất tiêm 200.000 mũi/ngày.
Đến chiều 6.9, Hà Nội, đã tiêm được tổng cộng hơn 2,4 triệu mũi (2,15 triệu người tiêm mũi 1 và 248.026 người tiêm mũi 2). Hiện, số người được tiêm là hơn 2,15 triệu người (26% dân số thủ đô) và đạt 35% người dân trong độ tuổi tiêm chủng (từ 18 tuổi) tại Hà Nội.
Hà Nội cần đánh giá mức độ dịch lây nhiễm trong cộng đồng
Về diễn biến dịch Covd-19 tại thủ đô, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định qua các ca nhiễm được phát hiện tại Hà Nội cho thấy, đã có các ổ dịch trong cộng đồng. Hiện, dịch trong cộng đồng, với hình thái dịch tễ “xôi đỗ” tản mát tại các quận, huyện.
"Khi dịch đã trong cộng đồng, âm thầm lây nhiễm, cần chú trọng xét nghiệm kháng thể (với người chưa tiêm vắc xin, kháng thể được sinh ra sau khi người đó đã mắc bệnh và đã khỏi bệnh). Kết quả của xét nghiệm kháng thể giúp chúng ta đánh giá mức độ lây nhiễm trong cộng đồng, từ đó có giải pháp chống dịch phù hợp, hiệu quả nguồn lực”, ông Nga đánh giá.
Ví dụ, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh sẽ trì hoãn tiêm vắc xin. Nguồn vắc xin hiện có sẽ được ưu tiên cho nhóm nguy cơ cao.
Trong khi đó, theo ông Nga, nếu xét nghiệm tìm ca bệnh, có thể một người hôm nay xét nghiệm có kết quả âm tính nhưng 2 - 3 ngày sau lại dương tính. Kết quả xét nghiệm tìm F0 chưa phản ánh đầy đủ diễn biến dịch.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng đặc biệt lưu ý, Hà Nội cần khẩn trương tiêm vắc xin cho người cao tuổi, người có bệnh nền. Vì những trường hợp này nếu mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng, như viêm phổi nặng, thở máy, ECMO... cần điều trị dài ngày, thậm chí tử vong.
Bảo vệ nhóm nguy cơ cao chính làm giảm quá tải cho hệ thống y tế, nguồn lực, nhân lực và thiết bị được tập trung cho các bệnh nhân nặng, nhờ đó giảm tử vong cho các ca mắc Covid-19.
|
|
Bình luận (0)