Hà Nội tăng viện phí từ 1.8

07/07/2013 03:30 GMT+7

Hôm qua, HĐND TP.Hà Nội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh giá một số dịch vụ khám chữa bệnh áp dụng tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn.

Hôm qua,  HĐND TP.Hà Nội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh giá một số dịch vụ khám chữa bệnh áp dụng tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn.

>> Hà Nội quyết định tăng giá nhiều dịch vụ y tế

Theo đó, trong số 2.184 giá dịch vụ khám chữa bệnh, có 712 giá dịch vụ tăng, 8 giá dịch vụ giảm, 1.365 giá dịch vụ giữ nguyên và 99 giá dịch vụ mới (chưa được Bộ Y tế quy định về mức giá nhưng đã có trong danh mục kỹ thuật, mặt khác Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn về phí dịch vụ). Các mức điều chỉnh tương đương 70% mức trần dịch vụ tại khung giá viện phí do liên Bộ Y tế - Tài chính quy định.

 Hà Nội tăng viện phí từ 1.8
Chất lượng dịch vụ cần được đầu tư để tăng tương xứng với mức tăng viện phí - Ảnh: Ngọc Thắng

Phải dành 15% nâng cấp hạ tầng, mua sắm thiết bị

Theo nghị quyết được thông qua, mức giá khám bệnh tại bệnh viện (BV) hạng 1 là 17.000 đồng/lần, hạng 2 là 12.000 đồng/lần. Giá một ngày giường bệnh đối với điều trị hồi sức tích cực tại BV hạng 1, 2  là 300.000 đồng/ngày. Giá một ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu là 113.000 đồng tại BV hạng  1, 75.000 đồng tại BV hạng 2 và 52.000 đồng tại BV hạng 3. Với trường hợp nằm ghép 2 người/giường, chỉ được thu tối đa 50%, nằm ghép 3 người/giường trở lên chỉ được thu tối đa 30%/người...

 

TP.HCM cũng đề xuất tăng viện phí

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa 8 (dự kiến diễn ra từ 10.7 đến 12.7), UBND TP trình HĐND TP thông qua đề xuất tăng viện phí. Theo đó, đối với việc điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP,  UBND TP đề xuất tăng 40% phí các dịch vụ kỹ thuật (thuốc và vật tư được tính theo giá mua vào của bệnh viện). Việc tăng viện phí sẽ được điều chỉnh hằng năm (kể từ 2013) theo tỷ lệ 10% và đạt mức tối đa khung giá đến năm 2016.

Nghị quyết của HĐND cũng quy định, để tương xứng với khoản tiền người bệnh bỏ ra, hằng năm các cơ sở y tế được phép thu dịch vụ phải dành 15% số thu để nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị, giường bệnh… Đồng thời phải tăng cường cơ chế quản lý tài chính, chống lạm dụng kỹ thuật.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành. Các quy định của Nghị quyết được áp dụng từ ngày 1.8.2013. Đối với những người bệnh đang điều trị nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh của TP trước ngày nghị quyết có hiệu lực vẫn thực hiện theo mức thu cũ cho đến khi xuất viện.

Người bệnh phải chi nhiều hơn

Theo UBND TP.Hà Nội, ngành y tế TP đang quản lý 41 BV công lập, trong đó có 7 BV hạng 1, 18 BV hạng 2 và 16 BV hạng 3. Khung giá dịch vụ hiện hành được áp dụng tại các cơ sở trên thực hiện theo quy định cách đây 18 năm đã lạc hậu, không còn phù hợp. Trong khi đó tiền lương tối thiểu đã tăng 8,7 lần, chỉ số tiêu dùng cũng đã tăng nhiều lần... Việc điều chỉnh dịch vụ y tế lần này nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; đồng thời được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ, chưa tính tới khấu hao tài sản cố định, đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.Hà Nội, cho rằng dù viện phí tăng nhưng sẽ đưa lại nhiều lợi ích cho người nghèo, trẻ em và các đối tượng có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh khi chất lượng dịch vụ sẽ được cải thiện. Theo bà Thùy, hiện thành phố có 70% người dân thuộc đối tượng chính sách có thẻ BHYT nên việc tăng viện phí chỉ tạo áp lực với 30% còn lại, nhưng đây là những người có điều kiện nên họ không mua BHYT mà khám chữa bệnh bên ngoài. “Đối với người nghèo thì BHYT đã chi trả cho họ 80% viện phí, họ chỉ trả khoản 20% còn lại. Ví dụ: mức khám bệnh tại bệnh viện hạng 1 là 17.000 đồng lần khám thì họ phải chi trả khoảng 3.000 - 4.000 đồng, mức tiền này là không lớn hiện nay”, bà Thùy nói.

Học phí cơ sở giáo dục chất lượng cao không được vượt trần

Cùng ngày 6.7, HĐND TP.Hà Nội thông qua nghị quyết về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục chất lượng cao. Theo đó, cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được tự chủ về các khoản thu chi, bao gồm thu học phí nhưng không được vượt quá mức trần quy định của TP. Mức trần học phí này được quy định cụ thể như sau: Bậc mầm non và tiểu học là 2,9 triệu đồng trong năm học 2013-2014 và 3,2 triệu đồng trong năm học 2014-2015; bậc THCS và THPT là 3 triệu đồng trong năm học 2013-2014 và 3,4 triệu đồng trong năm học 2014-2015. Từ năm học 2015-2016 sẽ được điều chỉnh cùng với việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách và thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định. Đối với các đối tượng được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập sẽ thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước và TP. Trước kỳ tuyển sinh của năm học mới, cơ sở giáo dục chất lượng cao phải công bố mức thu học phí cùng cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo chương trình quy định. Học phí được thu định kỳ theo tháng (thu 9 tháng/năm), nếu học sinh tự nguyện có thể thu 1 lần cho cả học kỳ hoặc năm học.  

N.Tập

Thái Sơn

>> Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ triển khai thu viện phí qua ATM
>> Hà Nội và TP.HCM không được đồng loạt tăng viện phí
>> Hà Nội kiến nghị tăng viện phí
>> Bộ trưởng Y tế: Tăng viện phí là có lợi cho người dân
>> Tăng viện phí, tăng chất lượng điều trị
>> Viện phí sẽ còn tăng nữa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.