(TNO) Đây là ý kiến của Giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường phát biểu tại buổi tọa đàm “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” do Trung tâm con người - Thiên nhiên và Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng tổ chức chiều nay 23.3, tại Hà Nội.
Có tất cả hơn 20 ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia về cây xanh, quy hoạch đô thị, cựu lãnh đạo thành phố trao đổi xoay quanh đề án chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội.
Hàng cây chết khô trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội đã được thay thế
Đa phần các chuyên gia đều cho rằng, đề án của Sở Xây dựng đưa ra để chặt hạ 6.700 cây xanh quá sơ sài là điều thấy rõ, không cần phải bàn luận nhiều.
“Không chỉ sơ sài, tôi cho rằng, ở góc độ pháp lý, đề án này còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Điều 14 Nghị định 64 về quản lý cây xanh đô thị của Chính phủ, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 11.6.2010, quy định rất chặt chẽ về thủ tục chặt hạ cây xanh. Cụ thể, muốn chặt hạ một cây phải lập hồ sơ ghi rõ vị trí, tình trạng cây, chụp ảnh làm bằng chứng... để xin giấy phép, được cơ quan chức năng cấp phép mới được chặt... Tuy nhiên, tôi soi vào đề án chặt 6.700 cây của Sở Xây dựng thấy họ không theo quy định của luật nào cả do không có hồ sơ của từng cây, giấy phép mà ồ ạt chặt phá”, luật sư Trần Vũ Hải, Công ty Luật Hà Nội nói.
Cũng theo ông Hải, cần phải làm rõ thông tin tính đến khi dừng đề án chặt hạ 6.700 cây xanh, đã có bao nhiêu cây xanh bị “ngã xuống”.
“Có thông tin đưa ra 2.000 cây, người bảo hơn 1.000 cây. Còn Sở Xây dựng chỉ đưa ra con số gần 500 cây. Để làm rõ bao nhiêu cây, theo tôi cần phải cấp cao hơn vào cuộc mới rõ được. Chính phủ cần cử Thanh tra Chính phủ vào cuộc vì vụ việc gây ra bức xúc cho cả nước chứ không riêng nhân dân Hà Nội. Còn nếu để thanh tra Hà Nội làm, có lẽ con số vẫn là gần 500 cây, khác với thực tế”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam kiến nghị.
Chia sẻ quan điểm của mình, Giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường nói, sai lầm đã xảy ra rồi, dù bao nhiêu cây xanh đã bị chặt thì Hà Nội cũng đã hứng chịu đòn rất đau.
"Bi kịch này bắt đầu từ chỉ đạo xây dựng đề án, đến khâu thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện càng sai. Do vậy, hơn ai hết, trách nhiệm của những người lãnh đạo TP.Hà Nội cần xem xét chứ không chỉ xử lý những người cấp dưới là xong", ông Đăng nói.
Luật sư Phạm Đức Bảo, giảng viên Đại học Luật Hà Nội cho biết, sau hôm TP.Hà Nội tổ chức họp báo 20.3, ông có cuộc khảo sát trên Facebook về việc ủng hộ ông Nguyễn Quốc Hùng Phó Chủ tịch TP.Hà Nội từ chức, đến chiều nay đã nhận được gần 7.000 lượt bấm like.
Theo ông Bảo, trước pháp luật, mọi công đều bình đẳng như nhau. Việc chỉ đạo thực hiện đề án chặt 6.700 cây xanh có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật, cần làm rõ trách nhiệm, xử lý đúng quy định.
“Lãnh đạo TP.Hà Nội cần noi gương vị hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng ở tỉnh Trà Vinh, ông này đã dũng cảm nhận lỗi, tự nhận hình thức kỷ luật cao nhất, xin từ chức do có học sinh đánh nhau”, luật sư Bảo nói.
Bình luận (0)