Hà Nội thu hồi giấy phép 262 điểm giữ xe

12/02/2012 03:23 GMT+7

Tới ngày 15.2, UBND thành phố yêu cầu phải thu hồi xong giấy phép của 262 điểm trông giữ xe trên lòng đường, vỉa hè, nhưng lại chưa đưa ra được phương án điểm đỗ xe thay thế cho người dân.

Cấm trước, gửi... tính sau

Ngày 6.2, UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở GTVT và một số cơ quan liên quan thu hồi đợt 1 giấy phép trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp dưới lòng đường, vỉa hè của 262 tuyến phố. Theo đó, quận Hoàn Kiếm sẽ cấm tổ chức trông xe ở 76 tuyến phố như Bà Triệu, Hàng Bài, Tràng Tiền và một số tuyến phố cổ. Quận Ba Đình cấm 52 tuyến phố gồm Kim Mã, Cầu Giấy, Nguyễn Thái Học, Liễu Giai…, quận Hai Bà Trưng cấm 20 tuyến phố, quận Đống Đa cấm 35 tuyến phố, Cầu Giấy cấm 29 tuyến, Thanh Xuân 27 tuyến, Tây Hồ 15 tuyến…

 
Công ty bị thu hồi giấy phép giữ xe, nhưng các điểm trông xe tự phát của tư nhân lại mọc ra tại bờ phải sông Tô Lịch - Ảnh: M.Sang

Trước đó, tháng 11.2011, liên ngành Công an - Sở GTVT sau khi rà soát mạng lưới đỗ xe trên địa bàn Hà Nội đã có tờ trình lên UBND thành phố không cấp phép trông giữ xe trên 274 tuyến phố tại 7 quận nội thành (các tuyến phố mặt cắt ngang nhỏ hơn 7,5m, vỉa hè có mặt cắt ngang nhỏ hơn 5m sẽ không được cấp phép...).

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết 262 điểm giữ xe phải thu hồi giấy phép không hoàn toàn trùng khớp với rà soát trước đó của liên ngành. Trước băn khoăn về việc người dân khi đến các khu vực cấm sẽ phải gửi xe ở đâu, ông Linh cho hay, trong tờ trình lên thành phố, liên ngành đã đưa phương án các điểm giữ xe khác cho người dân lựa chọn. Nhưng trong quyết định của UBND thành phố mới chỉ đề cập đến lệnh cấm mà chưa quyết định phương án điểm gửi xe thay thế cho người dân.

Không có điểm đỗ thay thế, nên ra lệnh cấm trông xe dưới lòng đường, vỉa hè là kiểu chỉ làm phần ngọn mà không tính tới phần gốc, khó hiệu quả
Ông Bùi Đăng Thắng, Giám đốc Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội

Theo ông Bùi Đăng Thắng, Giám đốc Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (doanh nghiệp có 33 điểm đỗ xe bị thu hồi trong đợt này), khi cấm thì phải có giải pháp thay thế. Phải tính toán lại số lượng ô tô, xe máy, rà soát mấy tuyến phố phải có một điểm đỗ xe chính, như cấm Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Khay phải có điểm trông giữ xe khác để người dân gửi.

Cũng theo ông Thắng, việc phân cấp quản lý điểm đỗ xe bất cập từ xưa đến nay khiến tình trạng lộn xộn trong trông giữ xe trên địa bàn thành phố khó cải thiện. Việc thiếu lực lượng thanh tra, xử lý cũng như thiếu quyết liệt triệt để khiến lệnh cấm đôi khi chỉ có tác dụng với các công ty có giấy phép, mà không “dọa” được các điểm trông xe tự phát. Ông Thắng dẫn ra ví dụ, cuối tháng 12.2011, Sở GTVT đã thu hồi lại toàn bộ điểm trông giữ xe dưới lòng đường khu vực bờ phải sông Tô Lịch của Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, nhưng sau đó, chính quyền phường, tư nhân tự phát vẫn ra trông giữ xe tại khu vực trên, thậm chí còn treo biển “nhái” công ty này.

Loay hoay bài toán điểm đỗ xe

Hà Nội hiện có khoảng 1.200 điểm đỗ xe công cộng, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân. Việc cấm trông giữ xe tại lòng đường, vỉa hè của Hà Nội trên hàng trăm tuyến phố vì vậy chỉ là giải pháp tình thế nhất thời giảm ùn tắc, nhưng lâu dài là bài toán đáp ứng cơ bản nhu cầu bãi đỗ cho người dân thì thành phố vẫn rất loay hoay.

Toàn TP hiện có khoảng 3,8 triệu xe máy, 370.000 ô tô, riêng các quận nội thành Hà Nội có khoảng 184.000 ô tô và 2,3 triệu xe máy, nhưng một loạt điểm đỗ xe của thành phố như Ngọc Khánh, Dịch Vọng, Nam Thăng Long… được xây dựng theo quy hoạch phục vụ mục đích đỗ xe cũng chỉ tiếp nhận được hơn 2.800 ô tô. Chưa kể, với 176 dự án nhà từ 9 tầng trở lên trong các quận nội thành, dù đã có quy định phải đảm bảo nhu cầu đỗ xe cho cả dự án, nhưng khi đi vào hoạt động các công trình này chỉ đáp ứng được khoảng 30% số phương tiện, kết quả 70% phương tiện tràn ra lòng đường, vỉa hè.

Theo quyết định 165 ban hành năm 2003, Hà Nội phê duyệt 9 dự án bãi đỗ xe với thời gian thực hiện từ năm 2003 - 2005 với quy mô gần 40.000 ha, nhưng thực tế, bãi đỗ xe Gia Thụy (Gia Lâm) và bãi đỗ xe Kim Ngưu đã được chuyển đổi công năng thành trung tâm thương mại, đại lý buôn bán vật liệu của Hapro, 7 bãi đỗ xe còn lại trong tình trạng dở dang. Trong khi đó, các dự án bãi đỗ xe cao tầng của thành phố vẫn chỉ đang trong giai đoạn khởi thảo.

Ông Thắng cho rằng: “Thành phố đã có quy hoạch từ năm 2003 nhưng tới giờ dự án thì quy ra trụ sở, cái thì ra trung tâm thương mại. Không có điểm đỗ thay thế, nên ra lệnh cấm trông xe dưới lòng đường, vỉa hè là kiểu chỉ làm phần ngọn mà không tính tới phần gốc, khó hiệu quả”.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.