Những dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM được đầu tư xây dựng như metro, đại lộ Mai Chí Thọ, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, đường Vành đai 2 nối khu vực Q.7 với Q.2, 9... đã khiến thị trường bất động sản, đặc biệt là khu vực phía đông TP phát triển mạnh thời gian gần đây.
Hạ tầng phát triển đã kéo các nhà đầu tư đổ tiền vào bất động sản - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Nhờ sức hút về hạ tầng, hàng loạt chủ đầu tư đổ về khu Đông “săn”, mở bán dự án càng làm bất động sản (BĐS) khu vực này trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
“Cuộc chiến” khu Đông
Ngày 25.12, Tập đoàn Novaland công bố mua một lúc 2 dự án ở khu Đông. Đầu tiên là ký kết với Công ty CP đầu tư địa ốc Hưng Phú để hợp tác phát triển dự án khu nhà ở rộng 5 ha, với tổng vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng. Dự án nằm trong tổng thể khu đô thị Hưng Phú (Q.9), liền kề với khu công nghệ cao, hiện là tâm điểm nóng nhất của thị trường BĐS với hàng loạt công trình hạ tầng đã và đang xây dựng. Khi mua lại dự án này, Novaland sẽ xây dựng khu nhà ở thấp tầng cao cấp, gồm biệt thự, nhà phố để phục vụ các chuyên gia đang làm việc tại khu công nghệ cao, đặc biệt là nhà máy của Samsung và Intel sát bên. Novaland cũng mua lại dự án The Sun Avenue, mặt tiền đại lộ Mai Chí Thọ (Q.2), thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm từ Công ty TNHH Gia Phú có diện tích 5,4 ha. Dự án dài gần 1 km mặt tiền đại lộ Mai Chí Thọ với 8 tháp chung cư cao từ 28 - 30 tầng, gồm 1.400 căn hộ cao cấp. Tại Q.2, tập đoàn này cũng đang triển khai hai dự án khác là Tropic Garden (hiện đã bàn giao căn hộ cho khách hàng) và dự án Lexington City (gồm 1.300 căn hộ đã được khách hàng đặt mua gần hết).
|
Trước đó, Tập đoàn Vingroup công bố mở bán đợt đầu dự án Vinhome Tân Cảng được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 40 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng. Đây được xem là dự án “khủng” nhất hiện nay tại TP.HCM, bởi khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 12.000 căn hộ và biệt thự cao cấp.
Công ty Đại Quang Minh cũng đang rục rịch mở bán khu đô thị Sa La có tổng diện tích hơn 100 ha, bao gồm 234 căn biệt thự, căn nhà ở kết hợp thương mại và căn hộ cao cấp. Ngoài ra, nơi đây cũng sẽ được xây dựng một tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp, cao ốc văn phòng, khu thể dục thể thao, khu vui chơi giải trí...
Sự sôi động của thị trường BĐS khu Đông không chỉ là cuộc chơi của các doanh nghiệp trong nước mà còn lôi cuốn nhiều nhà đầu tư ngoại rót vốn vào như: Keppelland, Capitaland, Vina Capital, Tập đoàn GS, Daewon, quỹ Hùng Việt... Mới đây nhất, PV Thanh Niên trong một chuyến tháp tùng cùng một đoàn nhà đầu tư đến từ Malaysia, Hàn Quốc đã rất bất ngờ khi thấy các nhà đầu tư này dành một sự quan tâm đặc biệt đến khu Đông. Ngay sau chuyến đi, một nhà đầu tư đến từ Malaysia đã "chộp” mua một dự án hơn 1 ha tại P.Phước Long B, Q.9 để triển khai một chung cư cao tầng.
“Ngòi nổ” hạ tầng
Nói về lý do đầu tư vào khu đông, ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, cho rằng tại TP.HCM cửa ngõ phía đông TP gồm Q.2, 9, Thủ Đức có hệ thống hạ tầng phát triển nhất, với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như: tàu điện ngầm, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội... Dự kiến, vào cuối tháng này, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được thông xe, tạo thuận lợi tối đa cho việc lưu thông từ TP đến các tỉnh miền Đông. Theo kế hoạch, cầu Rạch Chiếc 2 nối đường Vành đai 2 xuyên qua khu công nghệ cao và nút giao thông trạm 2 thông ra xa lộ Hà Nội cũng sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015. Đặc biệt, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên khi đi vào hoạt động chắc chắn sẽ làm tăng thêm giá trị BĐS khu vực phía đông TP. “Nhìn thấy được tiềm năng phát triển mạnh mẽ tại đây, tính đến nay chúng tôi đầu tư 4 dự án, đang xem xét mua thêm một số dự án khác”, ông Huy cho biết.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Thành Đại, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao TP, cho rằng khi cầu Rạch Chiếc 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỉ đồng hoàn thành, thị trường BĐS nơi này càng được hưởng lợi nhiều hơn nữa, nhất là khi Tập đoàn Samsung đã được Chính phủ VN chấp thuận đầu tư vào Khu công nghệ cao Q.9, với giá trị lên đến 1,4 tỉ USD.
Đáng nói là thời gian gần đây, rất nhiều chủ đầu tư chấp nhận san sẻ gánh nặng với ngân sách thông qua việc bỏ vốn đầu tư hạ tầng. Tập đoàn Vingroup khi triển khai dự án Vinhome Tân Cảng đã cam kết với UBND TP nâng cấp con đường Nguyễn Hữu Cảnh, xây dựng tuyến đường ven sông từ đường Tôn Đức Thắng đến đường chui bên dưới dạ cầu Sài Gòn và mở rộng đường Ung Văn Khiêm, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.100 tỉ đồng. Để triển khai Khu đô thị Sa La, Công ty Đại Quang Minh đã ký hợp đồng với TP xây dựng 4 tuyến đường chính, quảng trường trung tâm, khu công viên bờ sông. Nhờ hệ thống hạ tầng ở khu vực Thủ Thiêm được đầu tư, dự án Sa La cũng được hưởng lợi, tăng giá trị.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cũng đánh giá thị trường thời gian gần đây ấm lên một phần nhờ vào các chính sách hỗ trợ, một phần nhờ vào hệ thống hạ tầng trọng điểm được đầu tư và đưa vào sử dụng khá nhiều. Hiện các nhà đầu tư BĐS nước ngoài cũng đổ dồn về đây săn quỹ đất sạch triển khai dự án.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho vào cuối năm 2012, đến nay đã giải quyết được 8.208 căn (56,64%), trong đó 11 tháng đầu năm 2014 giải quyết được 3.131 căn. 6.282/14.490 căn hộ tồn kho còn lại chủ yếu là các căn hộ có diện tích lớn hơn 70 m2, các căn hộ ở các dự án có vị trí không thuận lợi, chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hoặc các dự án xây dựng chậm tiến độ. |
Bình luận (0)