Hà Tĩnh: Yêu cầu chấm dứt việc để cá nhân 'chiếm hữu' đền Chợ Củi

Phạm Đức
Phạm Đức
06/01/2024 13:56 GMT+7

Đoàn thanh tra tỉnh Hà Tĩnh xác định, công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích quốc gia đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh) có nhiều bất cập. Đặc biệt, việc thu, chi và quản lý tiền công đức, tiền tài trợ, cúng tiến không minh bạch.

Cá nhân quản lý tiền công đức của di tích

Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh, di tích đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, H.Nghi Xuân) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993. Theo hồ sơ xếp hạng, đền Chợ Củi là công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính được khởi dựng từ thời nhà Lê Sơ, tọa lạc dưới chân núi Ngũ Mã bên bờ sông Lam.

Hà Tĩnh: Yêu cầu chấm dứt việc để cá nhân 'chiếm hữu' đền Chợ Củi- Ảnh 1.

Đền Chợ Củi luôn có rất đông khách thập phương đến để vãn cảnh, cầu an

PHẠM ĐỨC

Đền có kiến trúc gồm ba tòa: hạ điện, chính điện và thượng điện, với các cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Tam phủ), Ngũ vị Tôn ông, cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười, cung Trần Triều (thờ Đức Thánh Trần).

Đền Chợ Củi được dân gian truyền tụng là nơi linh thiêng, nên khách thập phương đến rất đông để vãn cảnh, cầu an. Đây là di tích văn hóa tâm linh thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư, không phải là nơi thờ tự riêng của hộ gia đình, cá nhân hay của một dòng họ nào.

Năm 2010 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết di tích đền Chợ Củi (tỷ lệ 1/500) với diện tích là 8,44 ha, song đến nay UBND H.Nghi Xuân vẫn chưa thực hiện việc cắm mốc.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, thời kỳ trước năm 2013, đền Chợ Củi hoạt động theo tín ngưỡng tự phát của người dân, do UBND xã Xuân Hồng và một số hộ dân xung quanh khu vực đền tự quản lý. Việc thu, chi và quản lý tiền đền công đức chủ yếu giao thủ nhang thực hiện.

Đến năm 2011, để tiện cho việc tôn tạo di tích, UBND H.Nghi Xuân đã cho thành lập Ban quản lý di tích đền Chợ Củi song không hoạt động thường xuyên mà giao toàn bộ việc quản lý đền hàng ngày cho gia đình thủ nhang đền.

"Do đó, địa phương không biết được cụ thể, không quản lý được nguồn thu từ di tích do nhân dân cả nước công đức, tiến cúng, đặt tiền lễ và sử dụng nguồn kinh phí đó không rõ ràng, minh bạch", kết luận thanh tra chỉ rõ.

Đến năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đề án quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích đền Chợ Củi. Ngay sau khi đề án được ban hành, UBND H.Nghi Xuân đã thành lập lại Ban quản lý di tích đền Chợ Củi trực thuộc UBND huyện - là đơn vị sự nghiệp có thu, có con dấu và tài khoản riêng. Tổng số kinh phí mà Ban quản lý di tích thu được từ năm 2014 đến năm 2022 là hơn 19 tỉ đồng. Trong đó, tiền thu công đức do các gia đình thủ nhang Nguyễn Sỹ Quý và ông Nguyễn Sỹ Hoá nộp là 17,9 tỉ đồng.

Kết luận kiểm tra khẳng định: "Ban Quản lý di tích không trực tiếp tham gia giám sát, kiểm kê nguồn thu công đức mà giao hoàn toàn cho gia đình thủ nhang thực hiện nên không nắm được số liệu thực tế các khoản thu, chi. Việc này dẫn đến số liệu tài chính kế toán bị phân tán theo nhiều hệ thống sổ sách...".

Ngoài ra, Ban quản lý di tích cũng để cho các hộ dân xây dựng trái phép 12 ki ốt để phục vụ kinh doanh bên ngoài khu vực của đền.

Đề nghị xử lý nhiều cán bộ

Trước những bất cập xảy ra tại di tích đền Chợ Củi, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan.

Theo đó, ông Nguyễn Hải Nam, nguyên Chủ tịch UBND H.Nghi Xuân bị xem xét xử lý trách nhiệm do tổ chức cuộc họp thống nhất khoán thu tiền công đức năm 2016 không có thành phần của các sở, ngành liên quan. Trong 2 năm 2018, 2019, ông Nam trực tiếp ký quyết định giao thu nộp tiền công đức tại Ban quản lý di tích đền Chợ Củi mỗi năm là 2,5 tỉ đồng. Việc này chưa phù hợp với nội dung giao khoán tiền công đức theo đề án của UBND tỉnh.

Hà Tĩnh: Yêu cầu chấm dứt việc để cá nhân 'chiếm hữu' đền Chợ Củi- Ảnh 2.

Đền thờ tam tòa Thánh Mẫu (mẫu tam phủ), Ngũ vị Tôn ông, cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười, cung Trần Triều (thờ Đức Thánh Trần)

PHẠM ĐỨC

Ông Nguyễn Phi Phượng, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng chưa chỉ đạo sát sao, thực hiện tốt việc phối hợp với ban quản lý di tích trong công tác quản lý dẫn đến việc cơi nới, vi phạm chỉ giới quy hoạch, nhiều ki ốt của các hộ gia đình xây dựng trái phép…

Ông Trần Vũ Quang, Nguyễn Long Thiên, Đậu Đình Hà (nguyên Trưởng Ban quản lý di tích đền Chợ Củi) là những người chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ, song không thể hiện đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ dẫn đến hoạt động còn nhiều bất cập, xảy ra nhiều khiếu kiện.

Ngoài ra, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức như Sở VH-TT-DL, UBND H.Nghi Xuân, Ban quản lý di tích đền Chợ Củi, UBND xã Xuân Hồng do chưa thực hiện tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ dẫn đến những sai phạm tại di tích.

Tỉnh Hà Tĩnh giao UBND H.Nghi Xuân chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan đến hết ngày 5.1.2024, chấm dứt việc khoán công tác quản lý tiền công đức của đền Chợ Củi cho hộ gia đình thủ nhang. Thành lập Hội đồng quản lý, kiểm kê hằng ngày hoặc hằng tuần và nộp tiền công đức vào ngân sách.

Đối với các gia đình thủ nhang, yêu cầu chấm dứt việc chiếm hữu, quản lý khu vực nội tự của đền Chợ Củi, bàn giao cho Ban quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch H.Nghi Xuân chậm nhất là ngày 15.1.

Nếu các gia đình thủ nhang không thực hiện bàn giao theo đúng thời hạn, giao UBND H.Nghi Xuân tổ chức cưỡng chế việc bàn giao và thực hiện quản lý toàn bộ di tích đền Chợ Củi theo đúng quy định pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.