Đạo luật Ủng hộ viện trợ an ninh cho Israel đã được thông qua tại Hạ viện Mỹ với kết quả 224 phiếu thuận - 187 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu ngày 16.5 (giờ địa phương), theo Reuters. Tuy nhiên, động thái này về cơ bản chỉ mang tính tượng trưng, vì lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer đã tuyên bố sẽ không đưa dự luật ra bỏ phiếu, trong khi Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ phủ quyết nếu dự luật được chuyển đến Phòng Bầu dục.
Thủ tướng Netanyahu: Israel không phải 'chư hầu' của Mỹ
Bất đồng ở Washington
Cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện Mỹ diễn ra sau khi chính quyền ông Biden quyết định tạm dừng chuyển giao 3.500 quả bom (bao gồm loại 900 kg và loại 220 kg) cho Israel. Nhà Trắng đồng thời cảnh báo Washington sẽ không cung cấp các loại vũ khí mà Israel có thể sử dụng trong chiến dịch tấn công trên bộ tại thành phố Rafah ở phía nam Gaza.
Đảng Cộng hòa, phe kiểm soát Hạ viện Mỹ, đã tận dụng cơ hội này để tấn công ông Biden, cáo buộc nhà lãnh đạo phản bội Israel do áp lực chính trị. Nhà Trắng và nhiều thành viên đảng Dân chủ phản bác rằng dự luật do đảng Cộng hòa đề xuất gây hiểu lầm và bóp méo chính sách của tổng thống Mỹ về xung đột Hamas - Israel, theo Đài ABC.
Bất chấp sự chậm trễ của lô bom nói trên, Israel dự kiến vẫn sẽ nhận được thêm viện trợ vũ khí trị giá hàng tỉ USD từ Washington trong thời gian tới. Hôm 14.5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức thông báo cho các nhà lập pháp nước này để khởi động quy trình phê duyệt gói vũ khí 1 tỉ USD cho Israel tại quốc hội.
Trong khi đó, Israel tiếp tục thể hiện quyết tâm "san bằng" Rafah bất chấp sức ép quốc tế. Theo AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hôm 16.5 cho hay "lực lượng bổ sung sẽ tiến vào" khu vực Rafah và hoạt động quân sự "sẽ được đẩy mạnh". Thủ tướng Benjamin Netanyahu của nước này cùng ngày tuyên bố chiến dịch ở Rafah là mắt xích "trọng yếu" trong nỗ lực tiêu diệt Hamas. Nhà lãnh đạo cho rằng Rafah hiện "giống như nguồn cung cấp oxy" để các tiểu đoàn còn lại của Hamas có thể "trốn thoát và tiếp tế".
Bộ trưởng Quốc phòng Israel thách thức Thủ tướng Netanyahu
Israel tiếp tục bị cô lập
Hãng tin DPA của Đức mới đây đưa tin ngoại trưởng của 13 nước, bao gồm tất cả các nước G7 trừ Mỹ, đã cùng ký vào một lá thư gửi cho Ngoại trưởng Israel Katz của Israel, kêu gọi nước này ngừng chiến dịch trên bộ ở Rafah. Họ cũng hối thúc chính phủ ông Netanyahu mở tất cả các cửa khẩu để hàng cứu trợ có thể đi vào Gaza, bao gồm cửa khẩu Rafah mà Israel đang kiểm soát một chiều.
Canada, một thành viên G7, hôm 16.5 cho hay nước này lần đầu áp đặt trừng phạt đối với một số người định cư Israel mà họ cáo buộc có hành động bạo lực nhằm vào dân thường Palestine ở Bờ Tây. Cùng ngày, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết nước này đã từ chối cập cảng đối với một tàu chở vũ khí đến Israel.
Cuộc chiến pháp lý chống lại Israel cũng nóng lên tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ở Hà Lan. Nam Phi, nước khởi xướng vụ kiện cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng ở Gaza, hôm 16.5 đã yêu cầu ICJ ra lệnh cho Israel lập tức ngừng tấn công trên bộ ở Rafah, cũng như cho phép các nhà điều tra, nhà báo quốc tế đi vào lãnh thổ đang bị phong tỏa.
"Nếu tòa án không hành động ngay bây giờ thì khả năng xây dựng lại một xã hội mà người Palestine có thể sinh sống ở Gaza sẽ bị dập tắt, ít nhất là trong suốt cuộc đời của những người sống sót sau nỗi kinh hoàng hiện tại ở Gaza", Nam Phi nhấn mạnh.
Đáp trả, Israel ngày 17.5 nói rằng lập luận của Pretoria "hoàn toàn khác xa" thực tế, tái khẳng định không có hành vi diệt chủng ở Gaza, theo AFP.
Bến tàu dã chiến của Mỹ ở Gaza đi vào hoạt động
Quân đội Mỹ thông báo, từ sáng 17.5, các xe tải chở hàng cứu trợ nhân đạo đã bắt đầu di chuyển vào đất liền Gaza thông qua một bến tàu tạm thời được xây dựng trên biển, theo AFP. Khoảng 500 tấn hàng cứu trợ dự kiến đi vào lãnh thổ Palestine trong những ngày tới. Quân đội Mỹ cũng xác nhận không có binh sĩ nào của nước này lên bờ trong nỗ lực đa quốc gia và mang tính chất nhân đạo này.
Bình luận (0)