Theo Reuters, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu 366 - 34 để thông qua dự luật, một ngày sau khi bác bỏ yêu cầu về trần nợ công của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. 34 phiếu chống đều đến từ các đảng viên đảng Cộng hòa Mỹ. Mặc dù được Hạ viện Mỹ thông qua, dự luật trên cần được Thượng viện Mỹ xem xét một lần nữa.
Dự luật này sẽ gia hạn ngân sách của chính phủ Mỹ cho đến ngày 14.3, bao gồm các khoản hỗ trợ 100 tỉ USD cho các tiểu bang bị thiên tai và 10 tỉ USD cho nông nghiệp. Tuy nhiên, dự luật không bao gồm việc nâng trần nợ, một nhiệm vụ mà Tổng thống đắc cử Mỹ Trump yêu cầu đảng Cộng hòa giải quyết.
Dự luật còn điều khoản hoãn lại trần nợ công cho đến tháng 1.2027, đồng nghĩa sẽ có thêm hàng nghìn tỉ USD tiếp tục được cộng thêm vào khoản nợ liên bang lên đến 36.000 tỉ USD hiện nay.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean Pierre đã dành lời ca ngợi động thái về việc cấp vốn và tránh việc chính phủ đóng cửa của đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ. "Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ việc thúc đẩy luật này và đảm bảo rằng các dịch vụ thiết yếu mà chính phủ cung cấp cho những người Mỹ chăm chỉ làm việc", theo CNN dẫn lời bà Pierre.
Vì sao hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối dự luật ngân sách dù ông Trump ủng hộ?
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết ông đã "liên lạc thường xuyên" với Tổng thống đắc cử Trump trong suốt quá trình đàm phán dự luật chi tiêu tạm thời mới để ngăn chặn tình trạng đóng cửa chính phủ. Ông Johnson cũng lưu ý rằng ông đã nói chuyện với tỉ phú Elon Musk - nhân vật được chú ý trong cuộc chiến ngân sách lần này, về những thách thức của công việc.
Nếu quốc hội không hành động trước thời hạn, hoạt động của các cơ quan chính phủ sẽ bị đình trệ, và hàng triệu nhân viên liên bang sẽ không được trả lương. Theo Reuters dẫn các nguồn thạo tin, Nhà Trắng đã cảnh báo các cơ quan chính phủ chuẩn bị cho việc đóng cửa sắp xảy ra. Lần gần nhất chính phủ liên bang đóng cửa là 35 ngày trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump do tranh chấp về an ninh biên giới.
Bình luận (0)