Hacker của thế kỷ vào tù

01/04/2010 17:00 GMT+7

(TNTS) Công dân người Mỹ - Albert Gonzalez, 29 tuổi, người được mệnh danh là “Hacker của thế kỷ”, từng ăn cắp hơn 130 triệu thẻ tín dụng vừa bị tòa án Mỹ tuyên án 20 năm tù giam.

1. Vụ án Hacker của thế kỷ là một trong những vụ án lớn nhất về đánh cắp thông tin trong lĩnh vực công nghệ cao những năm gần đây. Nhà tư tưởng của các chiến dịch đột nhập bất hợp pháp vào hệ thống mạng của các tập đoàn và là người sáng lập “chợ đấu giá” ShadowCrew chính là Albert Gonzalez.

Albert Gonzalez là con của một gia đình Cuba nhập cư ở Miami. Ngay từ khi 8 tuổi, Albert đã làm quen với máy vi tính. Cậu bé ngay lập tức nhận ra rằng, công nghệ cao có thể mang lại tiền bạc, đảm bảo cho một cuộc sống không tồi. Nhưng cách mà Albert sử dụng nó lại đem đến hậu quả tồi tệ.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Albert đã nhận những nhận xét không tốt của các thầy cô giáo khi luôn quậy phá với môn tin học. Đến năm Albert 17 tuổi, bị Cơ quan điều tra liên bang - FBI, theo dõi khi cậu ta cùng hai người bạn bẻ khóa, đột nhập vào mạng của chính phủ Ấn Độ rồi để lại những lời lẽ khiếm nhã về văn hóa của nước này. Lần đó, Albert chỉ bị cảnh cáo và cấm không được đụng đến máy vi tính trong vòng 6 tháng.

Vào năm 1999, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Albert Gonzalez chuyển từ Miami, nơi mình sinh ra đến thành phố nhỏ Newark, bang New Jersey, sinh sống. Tại đó, Albert suốt ngày ngồi lỳ trong nhà và tích cực triển khai các hoạt động trên internet. Albert cùng với những người đồng ý tưởng thành lập cộng đồng mạng lấy tên Shadowcrew. Trên website của tổ chức này, các thành viên bí mật trao đổi cho nhau các mánh khóe, thủ đoạn hack, cũng như mua bán các thẻ tín dụng, thông tin về người chủ thẻ mà bọn chúng đánh cắp được trên mạng.   

Như vậy, Shadowcrew trở thành “chợ đấu giá” bằng niềm tin và theo giá thị trường. Lô hàng được đưa lên mạng, nếu như nó không có chất lượng (người chủ thẻ tín dụng phát hiện kịp thời và khóa tài khoản) thì tiền mà người đã mua thẻ này sẽ được hoàn trả lại, hay sẽ được đổi bằng món hàng ăn cắp khác. Tại Shadowcrew ngoài mua bán thẻ tín dụng, còn có các hàng hóa khác như địa chỉ e-mail dành cho những kẻ hay gửi thư rác, các tài liệu thuộc dạng mật…


Albert Gonzalez - Ảnh: Reuters

Theo số liệu của FBI, đến thời điểm Shadowcrew bị đóng (2004), tại đó có khoảng 4.000 thành viên đăng ký. Nhưng thực thế, số người tham gia ít hơn. Sau một năm xóa sổ Shadowcrew, FBI bắt giữ một số thành viên của tổ chức này, trong đó có Albert Gonzalez, được biết đến dưới nick name CumbaJohnny. Do quá lo sợ bị truy tố vì tội buôn bán thẻ tín dụng ăn cắp, nên Albert đồng ý hợp tác với FBI.

2. Trong quá trình Albert hợp tác với FBI, chính quyền đồng ý trả cho hắn 75.000 USD/năm tiền công. Từ tháng 4.2003 - 10.2004, các nhân viên FBI theo dõi sát sao hoạt động của Shadowcrew, thu thập chứng cứ, địa chỉ của các thành viên thuộc tổ chức này. Có lần chiến dịch của FBI thiếu chút nữa là đổ bể, khi tài liệu - nói về việc theo dõi Shadowcrew - của một nhân viên FBI bị định cắp. Tuy nhiên, khi đó Albert đã là lãnh đạo của tổ chức này, nên kịp thời biến các nghi ngờ của những tội phạm thành con số không. Vào ngày 26.10.2004, trên toàn thế giới, 26 tên trong số những kẻ chuyên ăn cắp thông tin trên mạng internet bị bắt. Website của Shadowcrew chính thức bị xóa sổ, còn tay trong của FBI trở về Miami.

Sau khi triệt hạ Shadowcrew, Albert Gonzalez đề nghị tiếp tục được hợp tác với chính quyền. Tuy thế, hắn vẫn giữ nguyên bản chất của mình. Hắn bí mật cùng một số đồng phạm tổ chức đánh cắp thông tin của những người thuộc hệ thống các mạng lưới bán lẻ. Những tên hacker này chui vào mạng thông tin nội bộ của các tập đoàn, các hãng nhờ một phần mềm do bọn chúng tự chế. Sau khi lọc các thông tin hữu dụng, bọn chúng bắt đầu thực hiện hành vi đen tối.

Nạn nhân lớn đầu tiên của Albert là tập đoàn TJX Companies, thuộc hệ thống bán lẻ thời trang lớn của Mỹ là T.J. Maxx. Vào tháng 12.2006, TJX đã nghi ngờ có chuyện lạ trong hệ thống mạng nội bộ, và thời điểm này Hack của thế kỷ đã đánh cắp hơn 40 triệu thẻ tín dụng và các hồ sơ cá nhân của những người sử dụng thẻ.

Ngày 7.5.2008, Albert và 10 đồng phạm bị FBI bắt giữ trong chiến dịch truy quét tội phạm internet. Trong vụ này, người sáng chế ra phần mềm đánh cắp thông tin là Stephen Watt, nhân viên ngân hàng Morgan Stanley ở New York, được biết dưới nick name “unix- khủng bố”, còn Albert đảm nhiệm vai trò “trung tâm đầu não”.

Khi theo dõi, các nhân viên FBI biết được Albert còn đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của các ngân hàng khác. Hắn còn bị buộc tội khi đột nhập vào hệ thống thanh toán điện tử lớn nhất Mỹ là Heartland Payment System và mạng lưới bán lẻ Hannaford Bros vào cuối năm 2007. Tính chung, trong số các tổ chức mà hắn đột nhập, có khoảng 135 triệu thẻ tín dụng và hồ sơ cá nhân của chủ thẻ bị đánh cắp. Sau đó, các thông tin này được bán lại trên các “chợ đấu giá” tương tự như Shadowcrew. 

Khác với nhiều hacker, Albert Gonzalez đột nhập vào mạng không vì tình yêu công nghệ hay nghệ thuật mà chỉ vì đích ngắm duy nhất là tiền. Tại nhà riêng của hắn có 500 ngàn USD tiền mặt và 1 triệu USD khác hắn giấu sau cánh cửa ra vào ở nhà bố mẹ ruột. Hắn dùng tiền ăn cắp đề mua nhà ở Miami, xe hơi, vài chiếc đồng hồ Rolex, nhẫn Tiffany cho các tình nhân của mình.

Trước các bằng chứng không thể chối cãi, Albert phải cúi đầu nhận tội và lại đồng ý khai báo chi tiết các phi vụ cho FBI. Nếu không, nhiều khả năng hắn sẽ phải lãnh án tù chung thân. Các luật sư của Hacker thế kỷ viện cớ hắn bị bệnh tâm thần để biện minh cho tội lỗi của hắn. Nhưng dựa vào các hành vi của Albert trong những năm qua, khó mà có thể tin rằng đó là sự thật. Theo phán quyết của tòa án, trong vòng 20 năm tới, Albert Gonzalez sẽ phải sống trong tù.

Ngụy Vô Kỵ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.