Lamine Diack là Chủ tịch IAAF giai đoạn 1999 - 2015, nhưng triều đại của vị quan chức người Senegal đã kết thúc trong hỗn loạn khi ông và con trai cản trở các lệnh trừng phạt chống lại Nga về bê bối bảo trợ doping để đổi lấy các khoản hối lộ.
“Việc đóng băng các lệnh trừng phạt để đổi lấy các lợi ích tài chính đã được Lamine Diack đàm phán với Valentin Balakhnichev - Chủ tịch của Liên đoàn Điền kinh Nga (ARAF) kiêm thủ quỹ IAAF”, AFP dẫn nội dung trên một bản sao cáo trạng được hé lộ vào ngày 19.6 đang xử lý bởi 3 thẩm phán người Pháp được Renaud Van Ruymbeke dẫn đầu.
|
Papa Massata Diack - cựu cố vấn tiếp thị của IAAF, không giống như cha mình khi từ chối hợp tác với cuộc điều tra và chưa bị các quan chức Pháp nghi ngờ. Ông này là 1 trong 5 người khác sẽ phải đối mặt với phiên tòa với cùng tội danh (nhận hối lộ để che đậy bê bối doping) như Balakhnichev, cựu HLV tuyển điền kinh Nga Alexei Melnikov, Habib Cisse (cựu cố vấn của Lamine Diack) và cựu giám đốc chống doping Gabriel Ile của IAAF.
Cuộc điều tra của Pháp về (Lamine) Diack bắt đầu từ năm 2015 khi Sebastian Coe (huyền thoại điền kinh Anh) tiếp quản chiếc ghế từ quan chức 86 tuổi người Senegal để làm Chủ tịch IAAF. Theo AFP, các công tố viên Pháp sau đó đã xử lý vụ việc vì nghi ngờ một khoản tiền lớn đã được rửa ở nước này.
Bối cảnh của cuộc điều tra là hệ thống doping do nhà nước bảo trợ được phát hiện ở Nga bởi Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA). Các công tố viên cho rằng ông Lamine Diack đã đồng ý nhận tài trợ cho các chiến dịch chính trị ở Senegal để đổi lấy các quan chức chống doping của IAAF nhắm mắt làm ngơ cho các VĐV Nga sử dụng doping.
|
Theo AFP, một trường hợp doping liên quan đến các VĐV Nga mà các công tố viên tập trung thẩm vấn là VĐV marathon Liliya Shobukhova, người đã 3 lần giành chiến thắng cuộc thi marathon Chicago nhưng sau đó bị cấm thi đấu do sử dụng thuốc EPO tăng cường sức bền. Shobukhova thừa nhận đã lót tay 450.000 euro cho các quan chức IAAF để tránh bị trừng phạt. Khi bị đình chỉ thi đấu vào năm 2014, nữ VĐV này đã công khai tố cáo bê bối tham nhũng giữa các VĐV Nga và IAAF, trong đó có liên quan đến Papa Massata Diack.
Năm 2017, Papa Massata Diack đã đáp trả bằng cách ví các cáo buộc tham nhũng chống lại ông là “một cuộc săn phù thủy” và cáo buộc Pháp đã “bắt con tin” là cha mình.
IAAF đã đình chỉ thi đấu quốc tế đối với điền kinh Nga từ tháng 11.2015 sau khi các cáo buộc liên quan đến nhà nước bảo trợ doping được phanh phui. Điều này dẫn đến các VĐV điền kinh Nga bị cấm thi đấu dưới lá cờ của quốc gia tại Olympic 2016 ở Brazil. Thể thao Nga đã được dỡ bỏ tại Olympic mùa đông năm ngoái nhưng IAAF đến nay vẫn duy trì án cấm đối với VĐV nước này thi đấu dưới màu áo quốc gia của họ.
|
Việc hai cha cựu Chủ tịch IAAF chuẩn bị ra tòa đã thu hút sự quan tâm của dư luận khi có thể sẽ mở ra những bê bối khác gây chấn động thể thao thế giới. Theo đó, ngoài nghi án Brazil “mua” quyền đăng cai Olympic 2016, chủ nhà Nhật Bản cũng nằm trong mối hoài nghi hối lộ để giành quyền tổ chức Olympic 2020, bên cạnh việc Qatar được chọn tổ chức Giải vô địch điền kinh thế giới vào tháng 9 năm nay.
Bình luận (0)