Thông tin nóng sốt và ly kỳ này lúc đầu được nhật báo Trắng Đen khai thác, sau đó các tờ Tin Sáng, Điện Tín, Đuốc Nhà Nam, Xây Dựng... cũng ào ạt đưa tin.
Chuyện tình anh lính lê dương gốc Phi
Năm 1950, trung sĩ Bokassa, 29 tuổi, người gốc Bắc Phi (lúc đó là thuộc địa của nước Pháp) được đưa tới Việt Nam, anh được phân công gác ở cầu Ghềnh (Cù Lao Phố, Biên Hòa, Đồng Nai).
Ở gần bót gác của lính Tây có một trụ nước phông tên (fontaine) công cộng, là nơi để bà con quanh vùng đến lấy nước về sinh hoạt hằng ngày. Cho nên, quây quần bên trụ nước phông tên không chỉ có những người ra tắm rửa, giặt giũ, hứng nước đem về nhà... mà còn có cả đội ngũ các cô gái gánh nước thuê. Trong số những cô gái gánh nước thuê này có Nguyễn Thị Huệ, tuy là gái quê nhưng nhan sắc ưa nhìn hơn cả... Anh trung sĩ da đen Bokassa lân la làm quen với cô Huệ…
Lúc quân Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ thì cô Huệ đang có bầu. Bokassa được lệnh lên tàu theo đoàn quân viễn chinh về nước. Trước khi chia tay, Bokassa vét hết tiền bạc giao cho Huệ và dặn rằng: “Nếu sinh con trai thì đặt tên là Martin, còn nếu là gái thì đặt tên Martine”.
Cuối năm 1954, cô Huệ sinh ra đứa con gái, không giống người Việt Nam chút nào: da đen, tóc xoăn, môi dày, cặp mắt trắng dã (nhưng lớn lên nó chỉ nói tiếng Việt!). Nhớ lời “ông trung sĩ” dặn, Huệ làm giấy khai sinh cho con với họ mẹ: Nguyễn Thị Martine. Chỗ tên cha ghi: vô danh...
Đầu năm 1972, Martine đã là một cô gái 18 tuổi. Cô xin được một chân bốc vác trong một nhà máy xi măng. Một hôm cô đang làm việc thì người cậu ruột tới tìm: “Đi về mày! Có mấy ông nhà báo muốn gặp mày. Ba mày bây giờ là... tổng thống!”.
|
Ngài tổng thống tìm đứa con thất lạc
Năm 1960, châu Phi xích đạo thuộc Pháp giành lại được độc lập. Vùng thuộc địa giữa hai sông Oubangui và Chari trở thành Cộng hòa Trung Phi với vị tổng thống mới là David Dacko - vốn có họ hàng xa với Bokassa. Ông Dacko mời Bokassa về nắm quyền chỉ huy quân đội. Năm 1966, với lực lượng vũ trang trong tay, trung tá Bokassa tiến hành đảo chính, lật đổ David Dacko rồi tự xưng làm tổng thống suốt đời.
Khi đã ở trên đỉnh cao quyền lực, Bokassa chạnh nhớ cô vợ hờ ở Việt Nam và đứa con chưa biết mặt mũi, nên vào đầu năm 1972, Bokassa đã nhờ Bộ Ngoại giao Pháp liên hệ với chính quyền VNCH nhờ tìm kiếm đứa con thất lạc...
Chỉ sau một thời gian rất ngắn, nhà chức trách đã lôi ra được một cô gái lai Tây đen đang đeo cái thùng bán thuốc lá lẻ trên đường phố Sài Gòn. Cô này 17 tuổi tên là Ba-xi, nhà ở khu Xóm Gà (Gia Định). Nghe báo tin vui, Bokassa sung sướng, vội vã mua vé máy bay cho Martine (Ba-xi) đi Bangui (thủ đô Cộng hòa Trung Phi). Sáng 26.11.1972, Martine (Ba-xi) tới Bangui, Bokassa cùng các quan chức cấp cao đã chờ sẵn. Trong tiếng kèn chào mừng của dàn quân nhạc, Bokassa ôm chặt con gái.
Cuộc hội ngộ ấy với Ba-xi là một câu chuyện cổ tích. Đang là một cô gái hết sức thấp hèn, sống vất vưởng trên đường phố Sài Gòn, đời cô bỗng một bước sang trang: ngồi xe Limousine, xiêm áo lộng lẫy, kẻ hầu người hạ, ai nấy nể vì...
Sự kiện này là một đề tài khiến xã hội miền Nam Việt Nam bàn tán xôn xao một thời. Báo chí đua nhau khai thác, mỗi báo một kiểu...
Một hôm có một người đàn ông tìm đến tòa soạn báo Trắng Đen. Người này cho biết cô gái mà Tổng thống Bokassa vừa nhận là... Martine giả, còn cháu gái của ông (gọi là cậu ruột) mới đích xác là thứ thiệt. Ông mở bọc ni lông trình ra nào là hình ảnh (của những người liên quan), nào là giấy khai sinh của Nguyễn Thị Martine... Biết “trúng mánh” với cái đề tài đang hết sức “hot” này cũng như độ chính xác rất đáng tin cậy của thông tin này, báo Trắng Đen bèn giao kèo với người cậu của Martine để độc quyền khai thác thông tin.
Sau khi đã điều tra một cách chắc chắn, rồi viết vài bài báo thăm dò, tới lúc đã tạo được sự chú ý của dư luận, nhật báo Trắng Đen bèn công khai kết quả điều tra rằng cô gái đang ở Trung Phi không phải là Martine thật... (còn tiếp)
Bình luận (0)