Hài độc thoại

13/05/2012 03:59 GMT+7

Tự nói một mình những điều khiến mọi người thoạt đầu không hiểu, nhưng sau đó phải vỗ tay rần rần và cười nghiêng ngả, đó chính là diễn viên hài độc thoại.

“Ai cũng có thể trở thành diễn viên trong lĩnh vực thú vị này nếu có duyên ăn nói hài hước và có chút tinh tế trong khả năng xử lý tình huống”, Hồng Quang, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ.

Quang nhớ lại: “Nhiều lần xem trên YouTube thấy những tiết mục hài độc thoại của các nghệ sĩ nước ngoài như Steven Martin, Jim Carrey, Robin William và cả những đoạn phim biểu diễn của anh Dưa Leo (nghệ sĩ hài độc thoại được giới trẻ Việt Nam yêu thích - NV), mình thích lắm và luôn ao ước làm được như họ nên tập thử sức. Và từ lúc nào, mình ghiền luôn”. Quang chia sẻ sở thích này với mọi người và được bạn bè cùng lớp ủng hộ, thế là Quang cùng 7 bạn khác lập ra nhóm hài độc thoại S.U.C.7.

Hài độc thoại
Nghệ sĩ Dưa Leo trong một tiết mục biểu diễn hài độc thoại - Ảnh: N.T.N 

Theo Quang, trở thành diễn viên hài độc thoại dễ mà khó. Dễ vì không cần đạo cụ, không cần phải chuẩn bị những trang phục màu mè sặc sỡ, hoặc trang điểm lòe loẹt dị hợm và nhất là không cần ngoại hình đẹp...

Nhưng khó ở chỗ, đầu tiên cần có khiếu hài hước, khiếu quan sát, nhạy bén và có thể nhận xét đời sống một cách hóm hỉnh. Nếu không gây được tiếng cười, dễ bị quy chụp là… đồ nói nhảm. “Khi nào làm được tất cả những điều đó thì tiết mục hài mới thành công thật sự. Mỗi khi diễn xong, ai cũng cười, cũng vỗ tay tán thưởng thì đó chính là niềm khích lệ và hạnh phúc nhất của người biểu diễn hài độc thoại như chúng mình”, Quang tâm sự.

“Nhiều người khi nghe cứ nhầm tưởng và ngỡ rằng những câu chuyện mình nói ra chỉ là ý tưởng bất chợt, muốn nói gì thì nói và không hề có kịch bản. Nhưng thật ra, để có câu chuyện 2, 3 phút phải mất đến cả 2, 3 ngày, thậm chí cả tuần để lên ý tưởng viết kịch bản. Sau đó phải luyện tập cách nói chuyện sao cho có thể chọc quê được người nghe, thậm chí có thể khiến người ta “nhột” vì tìm thấy mình trong câu chuyện, đã chạm đúng tim đen và gãi đúng chỗ ngứa của họ…”, Quang nói.

Trong hài độc thoại, kịch bản không gò bó, bởi trong quá trình diễn có thể nói tất cả về mọi thứ, miễn sao làm cho người nghe cười sảng khoái. “Đề tài không giới hạn, quan trọng là chúng ta có nghĩ ra hay không mà thôi. Ví dụ như những câu chuyện tình yêu của giới trẻ, chuyện lô cốt kẹt xe, đời sống sinh viên trong thời bão giá, những vấn đề thời sự, những câu chuyện gây sốt… đều có thể đưa vào tiết mục diễn của mình. Trong quá trình diễn, diễn viên thường xuyên nói “động chạm” vào chính khán giả. Nhưng tất cả đều được khán giả bỏ qua, miễn là bạn phải làm cho họ cười. Có được điều này cần phải thường xuyên tập luyện cách diễn xuất, cử chỉ thể hiện, cách nhấn nhá giọng điệu… sao cho hay, cho lôi cuốn”, Trường, thành viên nhóm S.U.C.7, cho biết.

Trường lưu ý với những bạn trẻ muốn thử sức loại hình nghệ thuật này, khi diễn hài độc thoại cần lồng ghép những thông điệp, nhưng làm thế nào để mọi người thấy vui, chứ đừng để họ nghĩ rằng mình đang dạy đời họ. Ngoài ra, cần tránh việc sử dụng những ngôn ngữ thô tục, chợ búa khi diễn.

Được biết, cơ hội để biểu diễn hài độc thoại rất nhiều. Nhóm S.U.C.7 thường tham gia ở những hoạt động ngoại khóa, sự kiện do các khoa, trường tổ chức. Hay như Trúc Chi, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, vào những buổi gặp mặt đồng hương, cùng bạn bè cà phê tán gẫu, cô nữ sinh này đều khiến mọi người cười nghiêng ngả bởi những tiết mục hài độc thoại của mình. Đặc biệt, để tạo nét riêng của quán và gây ấn tượng cho khách hàng, có khá nhiều quán cà phê tổ chức những tiết mục hài độc thoại. Đây có thể xem là cơ hội thử sức, kiếm thêm thu nhập cho những bạn trẻ yêu thích và đam mê hài độc thoại.

Nguyễn Thanh Nam

>> Vì sao chúng ta phải nói nhiều?
>> Vietnam’s got talent" bắt đầu “nóng”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.